1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

UNESCO tăng cường hỗ trợ người dân tộc thiểu số tại Việt Nam

(Dân trí) - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm nay đã giới thiệu sáng kiến mới nhằm hỗ trợ cuộc sống của trẻ em gái và phụ nữ tại các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Đây là chiến dịch nhằm nâng cao tiếng nói của 2 nhóm đối tượng trên trong xã hội, giúp họ hiện thực hóa khát vọng tương lai.

UNESCO tăng cường hỗ trợ người dân tộc thiểu số tại Việt Nam - 1

Từ trái qua phải: ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ CJ, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 25/4, UNESCO đã giới thiệu chương trình “Chúng ta có thể”, một sáng kiến kéo dài 3 năm nhằm nâng cao tiếng nói của trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là dự án được UNESCO phối hợp với các đối tác chiến lược như Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Quỹ Malala vì quyền học tập của trẻ em gái, cùng sự hỗ trợ tài chính của tập đoàn CJ (Hàn Quốc).

Dự án hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của và hoàn thành việc học của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái cấp trung học cơ sở và tăng cường cơ hội việc làm của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số trong một môi trường an toàn, thân thiện, không bạo lực và lạm dụng.

Phát biểu tại họp báo, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhấn mạnh rằng: “UNESCO cam kết tôn trọng văn hóa truyền thống của các cộng đồng người thiểu số cũng như cơ quan chức năng liên quan để giúp trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ hiện thực hóa ước mơ, khát vọng và hy vọng cho tương lai. Chính cái tên “Chúng ta có thể” đã nói lên tất cả; người dân tộc thiểu số tại Việt Nam thực sự có thể góp phần vào những chuyển mình đang diễn ra tại quốc gia này”.

Được xây dựng dựa trên sự tham vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, dự án hướng tới thu hút khoảng 16.000 người tham gia gồm học sinh, giáo viên, hiệu trưởng các trường dân tộc thiểu số, cán bộ giáo dục, phụ huynh tại 3 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết lý do 3 tỉnh thành trên được lựa chọn là vì đặc trưng về dân cư tại từng địa phương tương ứng với các nhóm dân tộc thiểu số như người H’Mong, người Khmer và người Chăm. Bộ hy vọng việc thực hiện tại 3 địa điểm với đặc điểm riêng biệt, khác nhau có thể giúp thu được kinh nghiệm bổ ích để có thể phục vụ cho những chương trình mà Bộ tự triển khai trong tương lai.

Ông Trần Kim Tự cũng cảm ơn phía UNESCO và nhà tài trợ đã đồng hành trong các hoạt động có ý nghĩa nhằm giúp Việt Nam phát triển hơn.

Dự án sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục cho trẻ em gái; xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh thông qua nâng cao nhận thức về bạo lực học đường; tăng cường cơ hội việc làm của trẻ em gái và phụ nữ thông qua chương trình hướng nghiệp, tập huấn về hoạt động tạo ra thu nhập, hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số vượt qua định kiến và nâng cao nhận thực so với bạn bè đồng lứa trên khắp đất nước.

Đức Hoàng