Ukraine tiếp nhận lô F-16 đầu tiên: Liệu có quá muộn?
(Dân trí) - Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis đã lên tiếng bình luận về việc lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên đến Ukraine.
Sau khi các nguồn tin của Bloomberg cho biết, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên đã đến Ukraine, Ngoại trưởng Litva Landsbergis trên mạng X đã tuyên bố: "F-16 tại Ukraine. Một điều không thể khác hóa ra lại hoàn toàn có thể".
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin, Ukraine dự kiến sẽ nhận 6 máy bay F-16 từ các đối tác phương Tây vào mùa hè này và tổng cộng lên đến 20 chiếc vào cuối năm.
Vào ngày 10/7, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan, những người đứng đầu "liên minh máy bay chiến đấu", đã xác nhận, Ukraine sẽ nhận được những chiếc máy bay phản lực F-16 đầu tiên của mình vào mùa hè.
Một số chuyên gia nhận định, F-16, cũng như các loại "vũ khí thay đổi cuộc chơi" khác của phương Tây viện trợ, thời gian đầu chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Nga và Moscow lại phải mất một thời gian tìm biện pháp khắc chế.
Nếu F-16 trang bị radar tốt và tên lửa không đối không tầm xa, cộng với sự chỉ điểm, dẫn bắn của máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) sẽ là mối nguy hiểm đối với máy bay Nga.
Tuy nhiên, báo Frankfurter Rundschau của Đức nhận định, đồng minh của Kiev đã có thể mắc sai lầm trong việc chuyển giao F-16 cũng như cung cấp xe tăng trước đó.
Không có nhà chứa máy bay được chuẩn bị sẵn, phi công được đào tạo không đầy đủ, phạm vi hoạt động hạn chế, tất cả những vấn đề này có thể khiến F-16 Ukraine khó phát huy được các đặc tính kỹ - chiến thuật.
Karsten-Dirk Hinzmann - chuyên gia của Frankfurter Rundschau - khẳng định, việc giao máy bay đã muộn và có thể không còn hiệu quả nữa. Ông tin rằng các đồng minh phương Tây đã không rút ra được bài học kinh nghiệm từ việc chuyển giao xe tăng Leopard của Đức hay xe tăng Abrams của Mỹ và sẽ lặp lại thất bại tương tự với những chiếc F-16.
Rõ ràng Ukraine đang chờ đợi việc được giao máy bay chiến đấu F-16 như đã hứa, nhưng báo chí quốc tế đang viết về chúng với thái độ ngày càng hoài nghi. Frankfurter Rundschau viết rằng "những tiếng nói nghi ngờ đang ngày càng gia tăng, làm suy yếu hy vọng rằng cỗ máy sẽ có thể thay đổi tiến trình giao tranh ở Ukraine chứ chưa nói đến việc đảo ngược nó".
Kết luận được hầu hết chuyên gia đồng tình là các máy bay chiến đấu sẽ đến Ukraine "quá muộn".
Chẳng hạn, bà Becca Wasser thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới tin rằng, F-16 tốt nhất sẽ đóng vai trò là "hỗ trợ tâm lý và tinh thần" cho người Ukraine, vì "điều kiện chiến trường đã thay đổi kể từ năm ngoái, khi quyết định cung cấp máy bay được công bố vào ngày 11/11".
Theo bà Wasser, "F-16 có nguy cơ mắc sai lầm tương tự như xe tăng phương Tây, đặc biệt là xe tăng Abrams của Mỹ: giao hàng quá muộn, quá ít được sử dụng và cuối cùng chỉ đơn giản là tụt hậu so với cuộc chiến".
Tổng cộng, báo Đức xác định 4 vấn đề lớn với việc cung cấp F-16: số lượng nhỏ sẽ không đủ để được giao, phi công được đào tạo không đầy đủ, cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho chúng chưa sẵn sàng và phạm vi ứng dụng bị hạn chế.
Vì vậy, thay vì 65 chiếc như đã hứa, đến tháng 10 hoặc 11, Kiev có thể sẽ nhận được 8 chiếc, khi đó họ đã có đủ đội ngũ vận hành. Tuy nhiên, Ukraine sẽ khó có thể ngăn chặn chiến thuật ném bom đối phương do phạm vi bị hạn chế, F-16 sẽ không thể tiếp cận biên giới Nga ở cự ly gần hơn 25km.
"Nhìn chung, đây là một tin buồn đối với ông Zelensky", Frankfurter Rundschau tóm tắt.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố số lượng F-16 Ukraine sắp nhận là chưa đủ để đối đầu sòng phẳng với không quân Nga, ông nhấn mạnh thêm rằng Kiev cần có ít nhất 128 tiêm kích loại này.
Nga chỉ trích mạnh mẽ động thái viện trợ F-16 cho Ukraine. Công ty dầu khí FORES của Nga hồi giữa tháng 7 hứa thưởng 170.000 USD cho người đầu tiên bắn hạ tiêm kích F-16 Ukraine.