Ukraine sẽ “bán” hải cảng cho chiến hạm Mỹ?
Truyền thông Nga vừa đưa ra bình luận rằng, Ukraine đang chuẩn bị “bán” các hải cảng của mình cho hải quân Mỹ.
Ukraine sẵn sàng bán các cảng biển cho các nhà đầu tư nước ngoài
Bài viết với tiêu đề: “Các hải cảng Ukraine: Ngã giá và cắm quân kỳ nước ngoài” trên trang web của Sputniknews ngày 13-7 bình luận rằng, trước sau gì Kiev cũng sẽ “bán” các hải cảng của nước này cho các chiến hạm Mỹ, không ngoài mục đích chống Nga.
Bài viết dẫn tuyên bố của cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili - người mới được chính quyền Ukraine bổ nhiệm làm Thống đốc Odessa cho biết là nước này đã sẵn sàng bán các cảng biển ở thành phố này cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nói đúng ra, ông Saakashvili không phải là tác giả ý tưởng bán các chủ thể chiến lược của quốc gia xa lạ với ông ta. Bởi ngay từ đầu năm nay, trước khi ông này được bổ nhiệm làm Thống đốc Odessa, 50% cổ phần của Ilichevsk - một trong các cảng khu vực Odessa - đã thuộc về công ty đầu tư của Mỹ là Siguler Guff & Company.
Ở Ukraine hiện có 13 cảng biển đang hoạt động. Tất cả đều có tầm quan trọng chiến lược. Bởi hải cảng là ô cửa mở ra thế giới, là điểm xúc tiến vận tải và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, nhiều cảng lớn là những chủ thể quân sự chiến lược, nơi bố trí lực lượng hải quân quốc gia.
Trong phần lớn các trường hợp, các hãng tư nhân được mời chào khuyến khích sử dụng chỉ một phần công suất của cảng, còn bản thân cảng vẫn là sở hữu nhà nước, bởi hải cảng là chủ thể chiến lược quan trọng đối với mỗi quốc gia ven biển, đặc biệt là về quân sự.
Vị chính khách đang bị Gruzia đòi đưa về nước xét xử, đến Ukraine từ nước Mỹ và có lẽ ông ta đã mang theo bản kế hoạch tư nhân hóa đã được Washington vạch sẵn. Dường như ông này đến mảnh đất này chỉ với nhiệm vụ đẩy nhanh việc bán các tài sản của đất nước Ukraine cho Hoa Kỳ.
Và quyết định bắt đầu không phải với những đối tượng đang thực sự cần được đầu tư, mà là với các chủ thể chiến lược, trước hết là hải cảng, bất chấp việc cư dân bản địa “đón chào” tân Thống đốc người nước ngoài này bằng bản thu thập chữ ký chống tư nhân hóa các cảng Odessa và biểu tình ngay trước cổng dinh thự của ông ta.
Ukraine muốn sự hiện diện của Mỹ
Vì sao chính quyền Ukraine vội vã tư nhân hóa và chia tay không luyến tiếc với những chủ thể chiến lược của quốc gia như hải cảng? Điều này không lạ khi trong thời gian gần đây, trong các cảng Odessa thường xuyên ghi nhận sự xuất hiện các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ.
Vào dịp kỷ niệm giải phóng Odessa khỏi ách phát-xit xâm lược, ngày 10 tháng 4 năm nay, trong cảng neo đậu khu trục hạm Aegis của Mỹ DDG-109 USS "Jason Dunham". Sang ngày hôm sau ở đó còn có cả tàu khu trục cùng lớp Arleigh Burke DDG-75 USS "Donald Cook" của hải quân Hoa Kỳ.
Cả hai tàu này hiện diện tại vùng Biển Đen trong khuôn khổ hoạt động huấn luyện mang tiêu đề “Quyết tâm Đại Tây Dương" (Operation Atlantic Resolve), mà trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine có ý nghĩa phô trương sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho các đồng minh NATO ở vùng biển Baltic và Biển Đen.
Tháng 6 vừa qua, giới chức lãnh đạo Kiev đã bày tỏ hy vọng bán các công ty nhà nước Ukraine cho Hoa Kỳ, hòng cứu vãn sự sụp đổ của nền kinh tế và gắn trách nhiệm của Washington vào nền kinh tế của nước này. Trước đó, ông cũng đã từng kêu gọi các công ty Mỹ “tham gia sâu” vào quá trình tư nhân hóa ở Ukraine. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho rằng, các nhà đầu tư Mỹ sẽ rót tiền, “làm sống dậy” các công ty nhà nước Ukraine, sau đó chúng sẽ được bán theo những điều kiện minh bạch nhất. Ông này cũng bày tỏ nguyện vọng thấy “các chủ sở hữu người Mỹ trên đất nước mình”. Được biết, những doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng là đối tượng đầu tiên của chính sách này, bởi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của Ukraine, nhưng nước này không có đủ phương tiện để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, nhưng điều quan trọng nhất là Kiev không còn muốn tiếp tục “quan hệ” với Moscow. |