Ukraine-Nga cắt đứt quan hệ: Liệu có dẫn đến chiến tranh?
Nhà phân tích chính luận của đài phát thanh Sputnik là ông Zakhar Vinogradov cho biết, chính Ukraine đã cắt đứt trên thực tế mối quan hệ với Nga.
Ukraine từ chối Đại sứ Nga
Ông Vinogradov cho biết, sau khi Kiev từ chối vị Đại sứ mới của Nga Mikhail Babich và thậm chí từ chối thảo luận về chủ đề này ở cấp nhà nước, các quan chức Ukraine đã cắt đứt sợi dây vốn mỏng manh trong mối quan hệ chính thức với nước Nga.
Trong hai năm qua sau cuộc đảo chính ở Ukraine, Nga liên tục cố gắng duy trì quan hệ ngoại giao với nước láng giềng. Nhưng vào ngày 17/3/2014, Ukraine đã triệu hồi Đại sứ Vladimir Elchenko tại Moscow về nước.
Nếu nói về Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov, thì mặc dù Moscow đã triệu hồi đại sứ của mình về nước để tham vấn về tình hình sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine tháng 5/2014 khi Petro Poroshenko giành phần thắng, nhưng sau đó ông Zurabov đã trở về Kiev và tiếp tục thực hiện nhiệm kỳ Đại sứ của mình. Tuy nhiên nhiệm vụ của ông là vô cùng khó khăn.
Vào đêm 15/6/2014, các phần tử cực đoan Ukraine đã chặn lối vào đại sứ quán, tấn công tòa nhà bằng gạch đá, đốt cháy lốp xe, pháo sáng, thậm chí ném bom xăng vào tòa nhà, lật nhào, đập phá xe của các nhà ngoại giao Nga. Trong các văn phòng đại sứ quán vẫn còn dấu vết của vụ tấn công đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/7 đã giải phóng ông Mikhail Zurabov khỏi cương vị Đại sứ tại Ukraine, đại diện tạm thời của Liên bang Nga tại Kiev là ông Sergey Toropov. Sau đó, Moscow đã có quyết định chính thức về việc bổ nhiệm Đại sứ Mikhail Babich.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine về vấn đề hội nhập châu Âu Elena Zerkal nói trong chương trình "Channel 5" rằng, “cựu Đại sứ Zurabov có vai trò tối thiểu trong việc xây dựng mối quan hệ giữa 2 nước, do đó, Kiev sẽ không xem xét việc bổ nhiệm Đại sứ Nga tại Ukraine.
Đáp trả lại hành động này, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhận xét rằng, việc Kiev tuyên bố từ chối tiếp nhận đại sứ mới của Nga chính là quyết định giảm mức độ quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thậm chí có thể khiến 2 bên cắt đứt hoàn toàn quan hệ.
Điện Kremlin khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị bổ nhiệm đại sứ mới tại Ukraine nhưng nếu chính quyền Kiev cho rằng chế độ giao tiếp ngoại giao thấp như vậy là phù hợp, thì đó là sự lựa chọn của họ.
Chính quyền Kiev thân phương Tây và các phần tử cực đoan thường xuyên thổi phồng tâm trạng bài Nga. Bây giờ nhiều chính trị gia của Ukraine quả quyết rằng, nguyên nhân khiến quan hệ giữa 2 nước bị xấu đi là do Nga đã "thôn tính" bán đảo Crimea.
Họ đã lãng quên về việc những khẩu hiệu bài Nga cuồng loạn đã vang lên trên quảng trường Maidan trước khi xảy ra các sự kiện Crimea. Họ cũng lãng quên rằng, trong hai năm sau "Euro Maidan" các nhà chức trách Ukraine liên tục làm tất cả mọi thứ để phá hỏng mối quan hệ song phương.
Nhà phân tích Zakhar Vinogradov đặt ra câu hỏi là cái gì đang xảy ra trong quan hệ giữa hai nước hiện nay? Tại sao các chuyên gia chính trị quốc tế lại cho rằng đây là thời điểm đặt "dấu chấm hết" cho mối quan hệ giữa hai nước?
Cho đến trung tuần tháng 7 năm nay đã có niềm hy vọng vào việc Ukraine sẽ thực hiện các thỏa thuận Minsk, Quốc hội Ukraine sẽ thông qua gói văn kiện cần thiết để thực hiện mục đích này, để sau đó từng bước khôi phục lại quan hệ giữa hai nước.
Nhưng ngay trước kỳ nghỉ hè, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) lại một lần nữa bác bỏ gói dự luật về thỏa thuận Minsk.
Các đại biểu chỉ ban bố lệnh ân xá cho những người tham gia chiến dịch an ninh ở miền đông Ukraine (ATO), họ không phải chịu trách nhiệm nào về những tội ác trên lãnh thổ các khu vực Donetsk và Lugansk. Điều đó cho thấy rõ là sẽ thật vô lý nếu tiếp tục hy vọng vào chính quyền Kiev.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã có một cơ hội để cứu vãn tình hình bằng cách chấp nhận Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Babich. Nhưng điều này đã không xảy ra. Do đó, diễn biến tình hình bước vào giai đoạn tiếp theo là cắt đứt quan hệ ngoại giao, leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Trên thực tế, ở đây nói về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao theo ý định chủ quan của Ukraine (phía Nga vẫn rất muốn nối quan hệ). Rất có thể, kịch bản tiếp diễn dễ xảy ra nhất là Ukraine (và sau đó Nga) sẽ ngừng chế độ miễn thị thực vẫn còn tồn tại giữa hai nước.
Khi đó, lao động nhập cư người Ukraine đến Nga (theo ước tính khác nhau từ 3- 5 triệu người), sẽ bị trục xuất về nước.
Chính quyền Poroshenko sẽ ra những tuyên bố cáo buộc Nga trục xuất lao động bất hợp pháp. Hai nước sẽ càng thắt chặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau về kinh tế. Sau đó, Kiev sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga, sẽ ban bố thiết quân luật, rồi chính phủ Ukraine sẽ tuyên chiến với Nga.
Chuyên gia Vinogradov cho rằng, dù kịch bản này thoạt tiên có vẻ vô lý nhưng trên thực tế nó lại rất dễ xảy ra, nếu xét theo chiều hướng ngày càng xấu đi trong quan hệ giữa 2 nước.
Đây là động lực chính trong các hành động của chính quyền thân phương Tây hiện nay ở Kiev. Chính bởi vậy những hành vi “kích động cơn thần kinh chống Nga” được tài trợ bởi một số “nhà hảo tâm bên kia đại dương” vẫn tiếp tục được tiến hành trên đất nước này.
Liệu đất nước Ukraine có thể hài lòng với tình hình trên bờ vực chiến tranh? Những người nước này chắc chắn không muốn để các sự kiện phát triển theo kịch bản này, nhưng chính quyền Kiev hiển nhiên là sẽ hài lòng, bởi vì họ muốn đóng vai trò "kẻ thù của Nga", là thành trì của phương Tây trong cuộc đấu tranh chống "Đế quốc Nga".
Theo Nhật Nam
Đất Việt