Ukraine mổ xẻ vũ khí gây chấn động thế giới của Nga
(Dân trí) - Vào ngày 24/11, Ukraine lần đầu tiên công khai mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik mà Nga phóng vào nhà máy Yuzhmash. Tuy nhiên, sau đó cả Moscow và Kiev sẽ tính toán thế nào?
Ukraine mổ xẻ tên lửa Oreshnik của Nga
Vào ngày 24/11, chính quyền Kiev đã mời một số ít cơ quan truyền thông đến xem mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik do quân đội Nga phóng vào khu vực nhà máy Yuzhmash ở Dnepropetrovsk (Dnipro).
Đây là lần đầu tiên thế giới bên ngoài được nhìn thoáng qua về một số "mảnh vụn" của tên lửa loại mới này, thứ vũ khí gây chấn động thế giới mấy ngày qua. Mặc dù chỉ còn một số ít "mảnh vụn bị cháy đen", nhưng quân đội Ukraine (AFU) hy vọng có thể tìm ra biện pháp đối phó trong tương lai, bằng cách nghiên cứu những gì còn sót lại.
Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện còn lại ở hiện trường cho thấy, tên lửa siêu thanh Oreshnik mà Nga tuyên bố "không thể bị đánh chặn", có thể là một "thực tế tồi tệ" đối với Ukraine, quốc gia hiện có năng lực phòng không và chống tên lửa tương đối hạn chế.
Hãng tin Anh Reuters cho biết, những bộ phận tên lửa bị đốt cháy và vỡ vụn này, đang được cất giữ tại một viện nghiên cứu vũ khí, nhưng do lo ngại về an ninh nên địa điểm cụ thể chưa được công khai.
Các chuyên gia Ukraine đang nghiên cứu đống mảnh vụn để hiểu chuỗi cung ứng quân sự, mô hình sản xuất của Nga và đánh giá khả năng phát triển các biện pháp đối phó. Nhà chức trách tiết lộ, tên lửa đạn đạo siêu vượt âm này, đạt tốc độ tối đa 13.000km/h khi bay về phía Dnipro.
Điều này về cơ bản phù hợp với tuyên bố của Nga rằng, tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ Mach 10.
Nhiều điều vẫn chưa rõ ràng, trong đó có mức độ thiệt hại do tên lửa gây ra bởi Kiev hiếm khi tiết lộ thiệt hại về các mục tiêu quân sự, vì lo ngại thông tin này sẽ có lợi cho Moscow.
Hãng thông tấn Interfax-Ukraine tiết lộ, Kiev đang tìm cách mua lại hệ thống chống tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ, hoặc nâng cấp hệ thống chống tên lửa Patriot-3 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, xét theo các chỉ số kỹ thuật, cả hai hệ thống chống tên lửa hiện tại do Mỹ sản xuất, đều gần như không thể đối phó được với vũ khí siêu vượt âm.
Video tại chỗ cho thấy, nhiều đầu đạn phụ do tên lửa Oreshnik phóng ra, đã bắn trúng mục tiêu riêng biệt. Có suy đoán rằng, nó có thể được trang bị "đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV)" thường sử dụng bởi tên lửa liên lục địa.
AFU thiếu khả năng đánh chặn chặng giữa của tên lửa đạn đạo trong khi hệ thống chống tên lửa hiện tại của họ như Patriot, chỉ có thể thực hiện đánh chặn ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tên lửa sử dụng đầu đạn MIRV, được thiết kế đặc biệt cho việc chống tên lửa.
Khi đi vào cuối quỹ đạo bay, tên lửa sẽ phóng ra nhiều đầu đạn để bay tới các mục tiêu khác nhau, tương đương với cuộc tấn công bằng nhiều tên lửa cùng lúc, khiến tỷ lệ đánh chặn thành công của đối phương giảm đi đáng kể.
Tệ hơn nữa, hiệu suất của các hệ thống chống tên lửa giai đoạn cuối mà lực lượng Kiev có trong trang bị, không đủ để chống lại Oreshnik.
Ví dụ, phiên bản mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3 MSE, sử dụng động cơ tên lửa rắn xung kép và cảm biến tốt hơn, để có phạm vi đánh chặn lớn hơn và có khả năng tiêu diệt bằng tác động trực tiếp chính xác hơn.
Nhưng nhìn chung, PAC-3 MSE vẫn là hệ thống đánh chặn giai đoạn cuối, chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn khó đối phó với tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa đời mới có tốc độ siêu vượt âm như Oreshnik.
Hệ thống chống tên lửa THAAD được cho là hệ thống chống tên lửa duy nhất, có thể đánh chặn cả bên trong và bên ngoài bầu khí quyển cùng lúc. Độ cao đánh chặn tối đa đạt tới 150km. Nó có thể kết hợp với hệ thống đánh chặn Patriot PAC-3 MSE, hình thành đánh chặn nhiều lớp cao - thấp.
Tuy nhiên, hệ thống chống tên lửa THAAD chỉ có thể đối phó với tên lửa đạn đạo tầm trung truyền thống, có tầm bắn khoảng 3.500-5.000km và chưa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới, có quỹ đạo cơ động thay đổi.
Quan trọng hơn, quân đội Mỹ hiện chỉ có tổng cộng 7 hệ thống chống tên lửa THAAD, vốn đã không đủ để triển khai bảo vệ các vị trí quan trọng của Mỹ trên toàn cầu. Cách đây không lâu, Lầu Năm Góc đã quyết định đưa một hệ thống THAAD tới Israel, điều này làm dấy lên mối lo ngại của nhiều tướng lĩnh cấp cao quân đội Mỹ.
Họ tin rằng, nhu cầu chiến lược toàn cầu của quân đội Mỹ về các hệ thống chống tên lửa đã tăng vọt và việc triển khai này, sẽ ảnh hưởng đến khả năng đánh chặn của Quân đội Mỹ ở các khu vực khác, đặc biệt là khả năng phòng thủ tên lửa ở hướng Thái Bình Dương.
Vì vậy, quân đội Mỹ khó rút hệ thống THAAD từ nơi khác, để tiếp viện cho Ukraine. Ngoài ra, không giống như Israel có diện tích hạn chế, Ukraine có lãnh thổ rộng lớn, do vậy 1 hoặc 2 hệ thống THAAD để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ là không đủ. Quân đội Nga có thể chọn các khu vực mục tiêu mà THAAD không bao phủ, để sử dụng tên lửa Oreshnik tập kích.
Nga không thể sử dụng thường xuyên tên lửa Oreshnik
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 24.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ tên lửa Oreshnik đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc quân đội Nga chưa thể đưa nó vào chiến trường với số lượng lớn.
Theo thông tin công khai từ truyền thông Nga và các cơ quan tình báo phương Tây, Oreshnik là phiên bản phái sinh của tên lửa liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh, có liên quan chặt chẽ với tên lửa RS-24 Yars đang trong biên chế chiến đấu của quân đội Nga.
Tuy vậy, ít nhất trong một khoảng thời gian ngắn, tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik, khó có thể cạnh tranh với các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật khác, được đưa vào chiến đấu trên quy mô lớn, ví dụ như tên lửa Iskander-M hoặc sắp tới là Iskander-1000.
Trên thực tế, ICBM thường được trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá mạnh, nên phải chi rất nhiều tiền để tích hợp các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, nhằm nâng cao khả năng xuyên lục địa và khả năng sống sót, dẫn đến tốc độ sản xuất chậm và giá thành cao, nên không thể sản xuất với số lượng lớn và sử dụng một cách "phổ thông".
Ví dụ, chi phí cho một tên lửa liên lục địa Sentinel thế hệ mới của Mỹ, đã lên tới 162 triệu USD, gần bằng 2 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35A. Trong khi tên lửa đạn đạo chiến thuật, sử dụng đầu đạn thông thường, được sử dụng với số lượng lớn, nên có tốc độ sản xuất nhanh hơn và giá thành thấp hơn.
Ví dụ, tên lửa chiến thuật lục quân của Quân đội Mỹ (ATACMS) có giá dưới 1 triệu USD/quả và "Tên lửa tấn công chính xác (PrSM)" thế hệ mới có giá 3,5 triệu USD/quả; tên lửa đạn đạo Iskander-M của quân đội Nga có giá vài trăm nghìn USD/quả.
Do đó, tốc độ sản xuất và giá thành của tên lửa tầm trung Oreshnik, được phát triển từ tên lửa RS-26 Rubezh sẽ là trở ngại chính cho việc triển khai quy mô lớn của nó trong chiến đấu thực tế, chứ không phải là hệ thống chống tên lửa của Mỹ.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik hoàn toàn không được chuẩn bị cho chiến trường Ukraine.
Báo Daily Mail của Anh viết, tên lửa mới này của Nga có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân nếu được phóng ra, London sẽ biến thành tro bụi trong 20 phút và Berlin sẽ bị tấn công trong vòng chưa đầy 15 phút.
Ông Fabian Lene Hofmann, chuyên gia vũ khí tại Đại học Oslo ở Na Uy, cho biết tín hiệu do Nga gửi đi là: "Hãy nhìn xem, chúng tôi không sử dụng đầu đạn hạt nhân trong cuộc tấn công tối nay, nhưng các bạn phải biết rằng nếu tiếp tục làm điều đó, lần sau nó có thể là đầu đạn hạt nhân".