Ukraine: Khủng hoảng hổ phách vì dân lùng bán cho Trung Quốc
Ông Volodymyr Korkosh tăng tốc và chiếc xe jeep lao về phía trước, vượt qua những rãnh sâu đầy nước. “Chúng tôi thường chỉ đến muộn 2 - 3 phút”, vị sĩ quan cảnh sát nói trong vẻ thất vọng.
Đội của ông Korkosh ngày nào cũng đi kiểm tra các vùng quanh ngôi làng Kryvytsya và các địa điểm xung quanh ở vùng Rivne, phía tây bắc Ukraine, để bắt quả tang những người địa phương đào hổ phách trái phép.
Từng là một vùng rừng phong cảnh đẹp, khu vực này giờ đã bị xới tung khiến mặt đất trở nên ngổn ngang với đất cát lầy lội và những hố sâu do con người đào khắp nơi, bằng chứng của tình trạng khai thác hổ phách trái phép.
Được người địa phương gọi với tên “Klondike” với ý nghĩa gợi nhớ về cơn khát vàng vào thế kỷ 19 ở Canada, nơi đây có trữ lượng hổ phách lớn thứ hai thế giới (sau Nga), với khoảng 15.000 tấn.
Hổ phách là nhựa cây trong suốt đã hoá thạch qua hàng triệu năm, thường có màu từ vàng nhạt đến nâu đậm. Hổ phách được dùng như đá quý trong ngành chế tác đồ trang sức.
Khi giá hổ phách tăng gấp bốn lần trong những năm gần đây do nhu cầu từ Trung Quốc, Ukraine đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khai khoáng bất hợp pháp.
Ngành khai khoáng hợp pháp ở Ukraine mỗi năm sản xuất khoảng 4 tấn khoáng sản, nhưng các phương pháp khai thác hổ phách trái phép đã khai thác 120-300 tấn mỗi năm trong thời gian gần đây, theo số liệu của Ủy ban Địa chất Ukraine.
Việc thăm dò và khai thác hổ phách đòi hỏi phải bơm nước áp suất cao xuống lòng đất, khiến hổ phách bong ra và nổi lên trên. Nhưng cách làm này cũng làm xói mòn lớp đất bề mặt màu mỡ khiến cây cối không sống được ở đó nữa. Những người khai thác trộm còn chặt phá nhiều cây cối để dọn đường vào các điểm nhiều hổ phách. Những người này thừa nhận họ đang phá hoại nhưng vẫn làm để kiếm sống trên một vùng nghèo khó.
“Một số người ở đây sống dưới mức nghèo”, Oleg, một thợ đào hổ phách 28 tuổi, cho biết và từ chối tiết lộ đầy đủ tên họ.
“Chúng tôi cũng sợ lắm, nhưng bị kích thích và mùi vị của những khoản tiền lớn kiếm được khiến chúng tôi quên sợ”, Oleg kể. Thanh niên này gần đây có chuyến đi 4 tháng đến vùng Zhytomyr, bên cạnh vùng Rivne, để đào hổ phách.
Chỉ đồng ý cho phóng viên quay phim từ phía lưng và trùm mũ áo lên đầu, người thanh niên từng là trợ lý quản lý cho một công ty thương mại ở Kiev này cho biết lương tháng của anh khoảng 6.000 hryvnia (gần 5 triệu đồng), nhưng ở Klondike anh kiếm được tương đương gần 7 triệu đồng chỉ trong 5 ngày mới vào nghề.
Thường làm với nhóm khoảng 5-10 người, các thợ đào trộm dùng bơm tự chế và ống dày để bơm nước xuống độ sâu 10m, rửa sạch hỗn hợp đất sét, cát và sỏi đá để tìm kiếm đá quý, hổ phách. Chỉ vài phút sau khi nhận được tin có xe cảnh sát sắp đến là họ có thể tắt hết thiết bị rồi biến mất.
Ông Korkosh đứng đầu đơn vị gồm khoảng 200 cảnh sát được phân công để hỗ trợ cảnh sát vùng Rivne từ tháng 3 năm nay nhưng họ không mấy khi bắt được những người đào trộm.
“Chúng tôi truy quét các điểm khai mỏ trái phép và lập hồ sơ tội phạm. Khi chúng tôi đến những nơi đó, ít nhất họ cũng dừng đào”, ông Korkosh nói khi đang đứng gần một hố bỏ hoang mới đào. Ông lại đến chậm vài phút trước khi có thể bắt được đối tượng.
Giá hổ phách dao động từ 20-30 USD/gram tuỳ thuộc vào chất lượng, ông Sergiy Martynyuk, phó giám đốc công ty khai thác hổ phách Burshtyn Ukrainy thuộc sở hữu nhà nước, cho biết. Nhưng hổ phách khai thác trái phép có thể bị vỡ và giá trị cũng thấp hơn.
“Họ bơm nước mạnh tạo ra áp suất lớn, khiến đá bị vỡ trong quá trình khai thác”, ông Martynyuk nói. Công ty mà ông Martynyuk đang làm việc sử dụng phương pháp được cấp phép là đào đất để lấy được hổ phách chất lượng cao rồi chế tác trang sức và tranh đá quý.
Chính quyền khu vực đang cân nhắc hợp pháp hoá hoạt động đào hổ phách để giải quyết vấn đề khai thác trái phép và khuyến khích những người đào mỏ nộp thuế cũng như sử dụng phương pháp bớt gây hại hơn. Nhưng dự luật nhằm đơn giản hoá quy trình cấp phép khai mỏ đang bị tắc ở quốc hội Ukraine. “Dự luật này sẽ không thể giải quyết tất cả vấn đề”, Phó thống đốc vùng Rivne, ông Igor Tymoshenko nói. Nhưng ông Tymoshenko hy vọng thay đổi này có thể tạo ra những nơi làm việc hợp pháp và thay đổi phương pháp khai mỏ đang gây ra những tổn hại không thể đảo ngược trên mảnh đất này”.
Theo Bình Giang
Tiền phong