1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine bước vào “Ngày im lặng” trong sự hoài nghi

“Ngày im lặng” dự kiến được tổ chức ngày hôm nay (9/12) để tạo điều kiện cho Ukraine và phe đối lập tái lập lại lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, ngay trước đêm tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt hàng tháng trời giao tranh giữa phe đối lập và quân đội Ukraine ở miền Đông nước này diễn ra, các quan chức tham dự cuộc gặp tại thủ đô Minsk của Belarus cho biết họ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức rằng Ukraine có tham gia hay không.
 
Trong khi đó, tại Moscow, cố vấn về đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov cho biết cuộc gặp tại Minsk sẽ diễn ra “trong tuần này”. Ông Yuri Ushakov cũng cam kết Nga sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy tiến trình đàm phán.
 
Tổng thống Porshenko bắt tay một binh sĩ Ukraine
Tổng thống Porshenko bắt tay một binh sĩ Ukraine

Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk thúc giục Moscow hoàn tất mọi điều khoản theo đúng thỏa thuận vào tháng 9 vừa qua. “Nếu Nga vẫn không thay đổi chính sách của mình đối với Ukraine và thế giới, Nga sẽ tiếp tục phải trả giá”, ông Yatsenyuk cảnh báo.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho biết Ukraine và phe đối lập đã đạt được “một thỏa thuận sơ bộ” về việc ngừng bắn trong “Ngày im lặng” và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chờ xem liệu thỏa thuận này có được tôn trọng hay không”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã cáo buộc Mỹ cố tình hạ bệ ông Putin bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

“Giờ thì rõ ràng là các lệnh trừng phạt là nhằm vào việc tạo ra các điều kiện về xã hội và kinh tế để thay đổi quyền lực tại Nga. Tuy nhiên, điều này là không hề dễ dàng”, ông Ryabkov nói.

Để đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tiếp tục gây áp lực với Nga để buộc họ tuân thủ luật pháp quốc tế. Nga cần phải chấm dứt hành động của mình và hòa giải với Ukraine”.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể đạt được một giải pháp ngoại giao. “Chúng ta sẽ cần phải kiên nhẫn hơn rất nhiều so với ban đầu”, bà Merkel nhấn mạnh./.
Trần Khánh/VOV.VN