1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tỷ phú Trung Quốc “mất tích”, chiến dịch "đả hổ" sắp có địa chấn?

(Dân trí) - Sau khi “mất tích” để hợp tác với cơ quan điều tra, tỷ phú hàng đầu Trung Quốc Guo Guangchang đã xuất hiện trước công chúng sáng nay (14/12). Dù vậy, giới quan sát cảnh báo một cơn “địa chấn cấp 9” có thể sắp diễn ra với chiến dịch “đả hổ” tại Trung Quốc.

Tỷ phú Guo Guangchang đang là tâm điểm chú ý sau khi bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập (Ảnh: AFP)
Tỷ phú Guo Guangchang đang là tâm điểm chú ý sau khi bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập (Ảnh: AFP)

Theo BBC, ông Guo Guangchang, chủ tịch tập tập đoàn Fosun International đã lần đầu xuất hiện tại Thượng Hải, trong cuộc họp thường niên của công ty này sáng 14/12.

Trước đó, có thông tin ông Gou bị cảnh sát bắt giữ hồi cuối tuần. Phía công ty Fosun thì khẳng định vị chủ tịch chỉ đang hợp tác với cơ quan điều tra trong một vụ việc. Tổng giám đốc của Fosun, ông Wang Qunbin, ngày 14/12 khẳng định cuộc điều tra chủ yếu liên quan đến chuyện của cá nhân ông Gou, không liên quan đến công ty.

Được mệnh danh là Warren Buffett của Trung Quốc, ông Gou đứng thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, do tạp chí Hurun xếp hạng. Ước tính, vị tỷ phú sở hữu khối tài sản ròng có trị giá khoảng 7,8 tỷ USD.

Cổ phiếu của Fosun đã phải ngừng giao dịch trong ngày thứ Sáu, và sụt hơn 10% sau khi trở lại giao dịch trên sàn Hồng Kông trong ngày thứ Hai.

“Địa chấn cấp 9”

Tờ Financial Times của Anh dẫn lời các nhà phân tích khẳng định, sự biến mất đột ngột của một trong những doanh nhân nổi danh nhất Trung Quốc đã tạo ra những lo sợ lớn, về một giai đoạn nguy hiểm mới trong quan hệ giữa các doanh nghiệp và giới chức Trung Quốc. Một chuyên gia thậm chí cảnh báo về “địa chấn cấp 9” trong khu vực tư nhân.

Thông tin về việc ông Gou bị bắt giữ diễn ra ở thời điểm chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình bước sang năm thứ 3. Nhiều lãnh đạo quyền lực trong chính phủ, hay còn gọi là những “con hổ” đã sa lưới, nhưng chưa có nhiều trường hợp tương tự tại khu vực tư nhân.

Hiện không rõ ông Guo được yêu cầu hợp tác với cảnh sát hay cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương.

Yan Jiehe, một “ông trùm” ngành xây dựng và là người giàu thứ 6 Trung Quốc, cho biết các doanh nghiệp tư nhân thường cảm thấy cần thiết phải “dựa vào một ngọn núi” – một thuật ngữ tiếng Trung ám chỉ phải có người bảo trợ về chính trị hùng mạnh. “Tuy nhiên đôi khi những ngọn núi đó có thể trở thành núi lửa”, ông Yan nói.

Trong ngày thứ Sáu, Fosun cho biết ông Guo luôn nhận thức được sự nguy hiểm khi quá gần gũi với những người nhiều ảnh hưởng chính trị. Guo được cho là từng nói với các đồng nghiệp rằng họ nên “theo sát tình hình chính trị nhưng tránh xa các chính trị gia”.

Giới nhà giàu ồ ạt ra đi

Cho dù ông Guo trở về không hề hấn gì, việc ông bị cơ quan chức năng triệu tập cũng đã gây sốc cho các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như nước ngoài. Nó có thể khiến giới nhà giàu Trung Quốc, vốn đã lo lắng bởi tình trạng ô nhiễm triền miên cùng các vụ bê bối thực phẩm, càng có lí do để chuyển gia đình cùng của cải ra nước ngoài, các nhà phân tích nhận định.

Năm ngoái, một báo cáo của Hurun cho thấy, trong số 141 cá nhân giàu có Trung Quốc được khảo sát, 2/3 cho biết đang hoặc đã lên kế hoạch ra nước ngoài định cư. Bất kỳ mối lo ngại nào rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập – mà gần đây là những vụ điều tra ban tháo cổ phiếu tại các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến – đang lan sang khu vực tư nhân, có thể càng đẩy nhanh xu hương này.

Thời gian qua những sụt giảm mạnh trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã châm ngòi cho tranh luận về việc liệu có phải tiền đang chảy khỏi quốc gia này thông qua các kênh phi pháp. Bên cạnh đó, các nhà tư vấn quản lý tài sản cho biết mọi cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra nước ngoài, hoặc mua lại công ty nước ngoài của người Trung Quốc đều là một dạng hợp pháp của chuyển vốn ra nước ngoài.

“Hầu hết khách hàng của chúng tôi muốn niêm yết công ty của họ trên các sàn giao dịch nước ngoài”, một nhà tư vấn tài chính làm việc với các gia đình Trung Quốc giàu có tiết lộ. “Đó là cách tốt nhất để họ dịch chuyển tiền tới nơi trú ẩn an toàn”.

Ông Guo, một cử nhân triết học và thường được mô tả là người hướng nội, không thuộc tuýp người thường được công chúng hình dung về những tỷ phú mới nổi. “Ông ấy rất được kính trọng”, Rupert Hoogewerf, đại diện tờ Hurun cho biết. Hoogewerf cũng là người so sánh tin Guo bị bắt giữ với “địa chấn 9 độ richter” với khu vực tư nhân của Trung Quốc.

“Ông ấy không phải người giống như tỷ phú Donald Trump…Ông ấy rất chừng mực, giỏi hùng biện và tinh tế. Theo một cách nào đó, ông ấy đang dẫn đầu khu vực này”. Ông Hoogewerf cũng cho biết đã “ngạc nhiên” bởi số lượng doanh nhân liên hệ với ông để hỏi về vụ bắt giữ ông Guo.

Ngoài hoạt động kinh doanh, Guo còn làm việc cho Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân - một cơ quan tư vấn của chính phủ, và Quốc hội Trung Quốc.

Hai năm trước, đảng Cộng Sản Trung Quốc từng đưa ra bản kế hoạch cải tổ, theo hướng để các lực lượng thị trường có “vai trò quyết định” nền kinh tế. Đây từng được xem như một kỷ nguyên mới cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng như giới tỷ phú đang ngày một lớn mạnh tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt nền kinh tế, với các ngành chủ chốt như năng lượng, tài chính, viễn thông và vận tải do các tập đoàn nhà nước chi phối. Thay vì thử nghiệm việc tư nhân hóa mạnh mẽ, Bắc Kinh lại khuyến khích thành lập các công ty thuộc sở hữu nhà nước lớn hơn, bất chấp lo ngại về hiệu quả hoạt động kém.

Thanh Tùng

Theo BBC, FT