Tỷ phú Nga dùng đòn hy sinh trước trừng phạt Mỹ
Mỹ ra điều kiện tối thượng không trừng phạt GAZ, tỷ phú nhôm Oleg Deripaska phải ra đi.
Ngày 20/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Bộ Tài chính Mỹ có thể bỏ công ty nhôm Rusal của Nga khỏi danh sách trừng phạt, với mục tiêu “không đẩy Rusal ra khỏi thị trường”.
“Nhiều công ty Châu Âu, trong đó có Đức đã đề nghị với chúng tôi về việc bỏ Rusal khỏi danh sách” - ông Mnuchin nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters ở Sao Paolo, trước thềm hội nghị tài chính G-20 ở Argentina.
“Tôi sẽ không đi vào chi tiết những đề xuất đó là gì và chúng tôi sẽ làm gì nhưng nếu có thể tìm ra giải pháp chấp nhận được thì đó là mục tiêu của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là không đẩy Rusal ra khỏi thị trường Mỹ và Châu Âu” – ông Mnuchin nói.
Hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt chống lại tỷ phú Oleg Deripaska và 8 công ty nơi ông là cổ đông lớn, bao gồm Rusal, trong một động thái đáp trả cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ của Nga.
Các lệnh trừng phạt này khiến thị trường nhôm toàn cầu gặp khó khăn, một số nước và nhiều công ty phải cố gắng vận động Bộ Tài chính Mỹ nới lỏng các điều khoản cho Rusal.
Đối mặt với sự bất ổn trên thị trường nhôm, Chính phủ Mỹ sau đó tuyên bố Tập đoàn Rusal có thể tránh tác động của các biện pháp trừng phạt bằng việc cắt đứt quan hệ với ông Deripaska.
Từ hồi tháng 5, tỷ phú nhôm Oleg Deripaska đã phải từ chức cùng với gần một nửa ban lãnh đạo của Tập đoàn này để đảm bảo né tránh các đòn trừng phạt của Mỹ.
Không những thế, sự ra đi của ông Oleg Deripaska trong một số công ty khác mà ông nắm cổ phần cũng được cho là điều kiện mà phía Mỹ đặt ra nhằm miễn trừng phạt cho các công ty Nga.
Đơn cử như Tập đoàn ô tô GAZ của Nga. Cục quản lý tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) hôm 21/5 cho biết, Mỹ sẽ cung cấp cứu trợ trừng phạt đổi lấy việc bất cứ cổ đông được chỉ định nào thuộc Tập đoàn GAZ, bao gồm cả Oleg Deripaska chấp nhận thoái vốn và từ bỏ quyền kiểm soát Tập đoàn này.
Trước đó, từ ngày 2/5, Kho bạc Mỹ cũng đưa ra các hướng dẫn tương tự liên quan đến Tập đoàn nhôm Rusal và Tập đoàn En+ của Nga, cho biết rằng, Mỹ có thể đảo ngược lệnh trừng phạt đối với công ty trên nếu Deripaska từ bỏ quyền kiểm soát của mình. Ông Deripaska đã chấp nhận đề nghị để cứu Tập đoàn này.
Đáng chú ý là trong trường hợp của Tập đoàn En+, hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Deripaska đã đồng ý giảm cổ phần của mình trong Tập đoàn En + dưới 50% và rời khỏi ban giám đốc của công ty như một cách chấp nhận điều kiện của OFAC.
Nhưng sau đó, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ nói với Sputnik rằng việc giảm quyền sở hữu của Deripaska đối với Tập đoàn En + sẽ không nhất thiết đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt đối với En + sẽ được dỡ bỏ.
Động thái mới nhất này cho thấy sự hồi đáp tích cực của Washington trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt các công ty được điều hành bởi Oleg Deripaska.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thể hiện tâm thế nhượng bộ sau khi di chuyển hoảng loạn thị trường nhôm, cho phép các công ty Mỹ tiếp tục kinh doanh với Rusal cho đến ngày 23/10 thay vì đến đầu tháng Sáu.
Vào tháng Tư, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating đã rút tất cả các đánh giá của mình cho Rusal của Nga và hạ xếp hạng từ "phát triển" xuống thành "tiêu cực".
Cơ quan xếp hạng Moody của Mỹ cũng thông báo rằng họ đã rút tất cả các xếp hạng của Rusal và công ty con Rusal Capital vì "lý do kinh doanh".
Theo Sơn Dương
Báo Đất Việt