1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tương lai nào cho hiến pháp EU?

Hiến pháp Liên minh châu Âu (EU) đang gặp những khó khăn trên con đường phê chuẩn để nó đi vào cuộc sống. Các lãnh đạo EU sẽ phải bàn kỹ về phương thức mới xúc tiến quá trình thông qua hiến pháp tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) cuối tuần sau.

Ngày 6/6, Thủ tướng Jean-Claude Juncker của Luxembourg, nước đang giữ chức chủ tịch EU, khẳng định tiến trình thông qua hiến pháp của khối "không tê liệt", cho dù Anh hoãn cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp này.

 

Bản hiến pháp nói gì?

 

Nhận thấy EU mở rộng cần có một bản hiến pháp chung, tháng 12-2001, nguyên thủ các nước thành viên tuyên bố lập một công ước về tương lai châu Âu nhằm xác định cách để EU trở nên dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn.

 

Tháng 6/2003, tức sau 18 tháng soạn thảo dưới sự điều khiển của cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, hiệp ước thành lập hiến pháp EU ra đời và  được chuyển đến một hội nghị liên chính phủ để thảo luận.

 

Ý tưởng làm thế nào giúp EU hoạt động hiệu quả hơn và việc duy trì chủ quyền mỗi quốc gia là vấn đề lớn nhất, gây tranh luận nhiều nhất đối với bản dự thảo hiến pháp.

 

Nguyên thủ các nước đã thông qua dự thảo này tháng 10/2004. Dự thảo được gửi đến 25 nước thành viên để thông qua bằng việc bỏ phiếu tại quốc hội hoặc bằng các cuộc trưng cầu ý dân.

 

Bản hiến pháp EU được dự tính có hiệu lực từ ngày 1/11/2006 nếu được các nước thông qua. Hiến pháp bao gồm lời mở đầu, bốn phần nội dung, hai phần phụ lục, 36 nghị định thư và 448 điều khoản. Được thông qua, hiến pháp EU sẽ thay thế cho mọi hiệp ước trước đó, ngoại trừ hiệp ước thiết lập Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom).

 

Về phương diện thể chế, một số cơ cấu sẽ được tăng cường. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ là một phần quan trọng trong số này và vì vậy, cơ quan này sẽ tiếp tục vai trò là chính phủ của EU, có nhiệm vụ thực hiện chức năng về ngân sách và các chức năng điều phối, thực

hiện, quản lý và bảo đảm tính đại diện với bên ngoài hiệp hội.

 

EC cũng lấn sang chức năng lập pháp bởi một bộ luật của EU chỉ có thể được thông qua căn cứ theo đề nghị của EC. Cuối cùng, cơ quan này cũng thâu tóm luôn chức năng pháp lý nhờ việc theo dõi quá trình vận dụng hiến pháp.

 

Mức độ quan trọng của các chức năng đều được tăng cường cho EC theo hướng siêu quốc gia và ngày càng mang tính liên bang hơn. Xu hướng này được thể hiện rõ ở phương diện tổ chức nhân sự.

 

Bắt đầu từ năm 2014, số ủy viên sẽ phải tương ứng với 2/3 - chứ không phải tương ứng chính xác - với số nước thành viên (tức mỗi nước một ủy viên). Như vậy, một EU 27 thành viên (nếu kết nạp thêm Bulgaria và Romania) sẽ bao gồm 18 ủy viên..

 

Không dễ bị khai tử

 

Tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới dưới sự chủ tọa của Luxembourg, các nhà lãnh đạo phải xác định cần làm gì.

 

Một số người cho rằng hội nghị này sẽ đề nghị các nước còn lại tiếp tục thông qua bản hiến pháp, đồng thời đề nghị Pháp tiến hành bỏ phiếu lần hai dưới một hình thức nào đó (trưng cầu ý dân hoặc quốc hội thông qua).

 

Nếu có được ít nhất 20/25 nước thành viên tán thành hiến pháp, Hội đồng châu Âu có thể cứu vãn được bản hiến pháp bằng cách đề nghị các nước nói "không" bỏ phiếu lại lần thứ hai.

 

Ngoài ra các nhà lãnh đạo EU cũng có thể sẽ thay đổi hiệp ước về hiến pháp hoặc lấy bớt một số phần của hiến pháp để giúp người dân Pháp dễ dàng thông qua hơn. Một điểm đáng lưu tâm là EU có truyền thống: một kết quả mong muốn chỉ đạt được sau hai lần bỏ phiếu.

 

Người Đan Mạch và người Ireland đã chứng tỏ điều đó khi bỏ phiếu về hiệp ước Maastricht và hiệp ước Nice. Ngay cả khi Pháp tiếp tục không thông qua bản hiến pháp, EU vẫn tiếp tục hoạt động dưới tinh thần của hiệp ước Nice.

 

Phương án B thường được thảo luận ở hậu trường nhất là một phần bản hiến pháp EU vẫn có thể có hiệu lực mà không cần các nước phê chuẩn. Trước hết là những điều khoản nhằm cải thiện sự xuất hiện của EU trên diễn đàn thế giới.

 

Cụ thể 25 nước thành viên có thể thỏa thuận với nhau về việc thiết lập chức vụ ngoại trưởng EU. Ông Javier Solana, người Tây Ban Nha, hiện là điều phối viên về chính sách đối ngoại của các nước thành viên EU đã sẵn sàng cho chức vụ này.

 

Chống và tán thành

Cho đến nay, đã có 10 nước EU thông qua dự thảo hiến pháp: Lithuania (tháng 11/2004), Latvia (1/6), Slovenia, Ý, Hi Lạp, Slovakia, Hungary (20/12/2004), Áo, Đức (ngày 27/5) và Tây Ban Nha (thông qua trưng cầu ý dân).

Hai nước Pháp và Hà Lan đã bỏ phiếu chống lại hiến pháp bằng cuộc trưng cầu ý dân (lần lượt vào ngày 29/5 và 1/6). Nhóm các nước sẽ thông qua hiến pháp EU bằng con đường quốc hội có Bỉ, Estonia, Cyprus (ngày 29 và 30/6), Malta (tháng bảy), Phần Lan (tháng tám) và Thụy Điển.

Về bảy thành viên EU sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, Luxembourg (ngày 10/7) và Đan Mạch (ngày 27/9) tuyên bố sẽ thực thi theo kế hoạch; Bồ Đào Nha sẽ tổ chức vào tháng mười.

Cuộc trưng cầu ý dân tại Cộng hòa Czech dự kiến vào tháng mười hai nhưng có thể bị lùi lại. Anh đã công bố đóng băng kế hoạch trong khi Ireland và Ba Lan vẫn chưa xác định thời hạn cụ thể để trưng cầu ý dân.

Các ủy viên này sẽ được chỉ định dựa trên cơ sở luân phiên bình đẳng giữa các nước để một nước không thể bị rơi vào trường hợp vắng mặt trong hai nhiệm kỳ ủy ban liên tiếp.

Bản hiến pháp đề nghị lập ra chức chủ tịch EU với nhiệm kỳ hai năm rưỡi thay vì sáu tháng như hiện nay. EU sẽ có một ngoại trưởng với nhiệm kỳ năm năm, chịu trách nhiệm hình thành chính sách an ninh và ngoại giao cho liên minh.

Mỗi khi EU cần ra quyết sách nào, cần phải hội đủ đa số ủng hộ (ít nhất 55% các nước thành viên, đại diện cho ít nhất 65% dân số EU). Việc thay đổi luật pháp về vấn đề ngoại giao, quân sự và thuế vẫn cần sự nhất trí hoàn toàn của các thành viên.

Nghị viện châu Âu được hiến pháp qui định ở mức 750 thành viên với mỗi nước nhỏ nhất có sáu thành viên và nước lớn nhất (Đức) có 96 thành viên. EC phải chịu trách nhiệm trước nghị viện và có thể bị nghị viện giải tán theo nguyên tắc đa số phiếu (2/3)

 

Tuổi trẻ - Theo AFP, Europa, Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm