1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tương lai Iraq trong kỷ nguyên hậu IS Thế giới

Bộ Quốc phòng Iraq ngày hôm nay 29/6 tuyên bố giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul khỏi sự chiếm đóng của lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.


Ảnh: AP

Ảnh: AP

Tuy nhiên, Iraq trong kỷ nguyên hậu IS được dự báo sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh ngày càng tồi tệ do căng thẳng phe phái, mâu thuẫn chính trị, các cuộc chiến mượn tay người và các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Tương lai của Iraq là điều rất quan trọng, không phải chỉ với riêng bản thân họ, mà còn với cộng đồng quốc tế. Những gì mà cộng đồng quốc tế làm, hoặc không làm, đều sẽ có tác động quan trọng tới những gì đang chờ đón Iraq ở phía trước.

Nhìn vào bối cảnh Iraq hiện nay chúng ta thấy một điều là Iraq đang ở ngã ba đường, và viễn cảnh một đất nước Iraq vốn chìm trong mưa bom bão đạn trước kia, nay cũng trở lên rất đáng lo ngại.

Một thực tế có thể dễ dàng nhận ra rằng, liên minh chống IS hiện nay rất lỏng lẻo, gồm quân đội Iraq, các tay súng người Shi’ite, các bộ tộc Sunni và lực lượng vũ trang người Kurd nhiều khả năng sẽ tan rã.

Ngoài ra, mâu thuẫn giữa Iraq và lực lượng vũ trang người Kurd về các nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tranh chấp đất đai, tiền bạc ngày càng nghiêm trọng.

Hơn nữa, cạnh tranh trong các cộng đồng người tại Iraq về quyền lực và ảnh hưởng nhen nhóm bùng phát. Tham nhũng, giá dầu lao dốc, nền kinh tế suy thoái và những thiệt hại về vật chất mà các cuộc chiến chống IS để lại sẽ không chỉ tiếp tục cản trở tiến trình hồi phục và bình ổn của Iraq mà còn có thể trở thành nguy cơ gây chia rẽ xã hội tại quốc gia Trung Đông này, nhất là trong giới trẻ. Đây chính là cơ hội để những tư tưởng cực đoan bén rễ và phát triển.

Chủ nghĩa cực đoan và bạo lực sẽ nở rộ trong những xã hội mà các thể chế nhà nước kém hiệu quả, không được người dân công nhận, tham nhũng và mục ruỗng. Đáng tiếc, đây lại là những gì đang diễn ra tại Iraq.

Hơn thế nữa, sự tham gia của quá nhiều nhân tố tại Iraq có thể được xem là tình trạng “lắm thầy nhiều ma” khi các nhân tố cả bên trong và bên ngoài đều tìm cách thúc đẩy một kế hoạch nhằm củng cố địa vị của riêng mình, thay vì phối hợp tìm kiếm một giải pháp chung có lợi cho tất cả các bên.

Việc không thể thống nhất các lợi ích chung sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho Iraq và làm bùng phát thêm nhiều cuộc đối đầu giữa các phe phái.

Liên minh quốc tế cần liên tục duy trì và củng cố lực lượng ngay sau khi IS đã bị đánh bật khỏi những thành trì cuối cùng. Sự hỗ trợ của quốc tế đối với Iraq trong công cuộc tái thiết sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ và rằng các nước trên thế giới luôn sát cánh với Iraq trong cuộc chiến này.

Bên cạnh các hỗ trợ về kinh tế, Iraq cũng cần sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế trên khía cạnh chính trị nhằm gây sức ép buộc các lãnh đạo Iraq tiếp tục nỗ lực chống tham nhũng ở mức cao nhất, đạt đồng thuận và tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị một cách hiệu quả.

Các hỗ trợ này phải đi kèm với những yêu cầu gắt gao đối với giới chức, buộc họ phải tăng cường công tác quản lý hiệu quả; tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền; sẵn sàng giải quyết các tranh chấp phe phái, chính trị và lãnh thổ. Những điều này không hề dễ dàng, song không có lựa chọn nào khác.

Những thành tựu đáng chú ý trong cuộc chiến chống IS cho thấy người ta hoàn toàn có thể thúc đẩy một chiến lược toàn diện để tái thiết một Iraq trong kỷ nguyên hậu IS.

Một trong những yếu tố quan trọng để đem tới sự ổn định cho Iraq giai đoạn này chính là đối thoại. Ngoài ra, chính quyền Iraq cần phải giành lại được lòng tin và sự ủng hộ của người dân để ngăn chặn và đẩy lùi những nguy cơ có thể giúp chủ nghĩa cực đoan bạo lực “nảy mầm”.

Như vậy là nếu những viễn cảnh tồi tệ tại Iraq không được giải quyết kịp thời, các nỗ lực ngoại giao và quốc tế sẽ bị xói mòn và Iraq sẽ ngày càng lún sâu vào bất ổn.

Theo Đức Thức

Tiền phong