1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tư lệnh hải quân Trung Quốc thị sát dự án tạo đảo ở Trường Sa

(Dân trí) - Lãnh đạo tình báo Đài Loan hé lộ tư lệnh hải quân Trung Quốc Wu Shengli tháng trước đã có chuyến đi một tuần nhằm thị sát các dự án xây dựng đảo trái phép của Bắc Kinh ở Trường Sa và giám sát một cuộc tập trận hải quân ở đây.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc tới Trường Sa một tuần


Phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban Ngoại giao và quốc phòng của cơ quan lập pháp Đài Loan, ông Lee Hsiang-chou, người đứng đầu Cục an ninh Đài Loan cho biết, đô đốc Wu Shengli, tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã thị sát 5 đảo trên quần đảo Trường Sa vào tháng trước. Gọi chuyến đi là “chưa từng có tiền lệ”, ông Lee cho biết Đô đốc Wu đã có chuyến đi kéo dài cả tuần trên một tàu quân sự nhằm thị sát hoạt động bồi đắp đất Trung Quốc đang thực hiện trên các đảo trong những tháng gần đây.

Ông Lee cũng cho biết đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phê chuẩn 5 trên 7 dự án bồi đắp đất để tạo đảo ở Trường Sa. Sử dụng tàu nạo vét, Trung Quốc đang dần biến nhiều bãi ngầm ở Trường Sa thành đảo. Nhiều nước trong khu vực lo ngại Trung Quốc có khả năng xây các cơ sở trên các thực thể này, trong đó có cả căn cứ không quân, nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền rộng khắp phi lý của Bắc Kinh.

“Mục đích của hoạt động bồi đắp đất là biến những bãi đá thành các thành lũy và biến đảo thành chiến trường”, ông Lee cho hay.

Những thông tin trên của ông Lee cũng được tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trích dẫn. Điều này làm dấy lên quan ngại mới về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Ông Lee cũng cho biết ông Wu cũng đã thị sát một cuộc tập trận chung giữa hải quân và không quân ở ngoài khơi bãi Đá chữ Thập trên Trường Sa.

“Tất cả những dấu hiệu này cho thấy Trung Quốc có kế hoạch chiến lược toàn diện nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”, ông Lee nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia về quân sự ở Ma Cao Antony Wong Dong cho rằng các dự án bồi đắp đất của Trung Quốc có thể được sử dụng nhằm thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Bất chấp chỉ trích kịch liệt của các nước trong khu vực, Bắc Kinh vẫn tiếp tục có những hoạt động nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang dùng phương thức tiếp cận “cắt lát”, một mặt kêu gọi cùng phát triển trên biển, một mặt lại nói an toàn hàng hải sẽ không thể bị đe dọa. Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc còn cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho ngư dân sống ở Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông.

Trung Anh
Theo New York Times, SCMP