1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Từ chiến đấu cơ F-15 đến cuộc “tổng đại tu” của không quân Nhật

(Dân trí) - Chiến đấu cơ mang logo Mặt trời mọc đỏ thắm gầm rú trên bầu trời vào ngày hôm qua, khi Nhật tổ chức cuộc trình diễn phô trương một trong những lực lượng không quân tinh nhuệ nhất châu Á. Song vấn đề là hầu hết chiến đấu cơ Nhật hiện đang bị “hạ thổ”.

 
Từ chiến đấu cơ F-15 đến cuộc “tổng đại tu” của không quân Nhật - 1


Thủ tướng Noda muốn Lực lượng tự phòng không Nhật "siết chặt đai mũ samurai".
 

Phi đội F-15 bị “hạ thổ”

 

Cuộc trình diễn không quân diễn ra trong bối cảnh cuộc đua nhằm kiểm soát bầu trời ở châu Á đang ngày một nóng. Nhưng nó cũng diễn ra đúng thời điểm một tuần sau khi toàn bộ phi đội F-15 của nước này được lệnh phải “đắp chiếu” để chờ kiểm tra an toàn, sau một vụ tai nạn trên không. Và đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng Nhật phải đưa ra một lệnh cấm bay như thế này.

 

Nhưng trong nỗ lực đối trọng lại những “sải chân” của “ông lớn” Nga và Trung Quốc, như triển khai máy bay tàng hình loại mới, Lực lượng tự phòng không Nhật (JASDF) đang dự kiến tiến hành một cuộc tổng đại tu tốn kém nhiều tỉ đô la.

 

Trong cuộc trình diễn ngày hôm qua, phi đội F-15, xương sống của lực lượng không quân, đã được lệnh chỉ trình diên trên mặt đất, như đậu trên đường bay hoặc chạy trên đường băng, chứ không được cất cánh.

 

Tuần trước, một thùng nhiên liệu rỗng đã phát nổ và rơi khỏi một chiếc F-15 khi nó đang bay huấn luyện, khiến Nhật phải ra lệnh “hạ thổ” toàn bộ phi đội. Hồi tháng 7, một chiếc F-15 khác đang bay ra khỏi Okinawa thì đâm xuống biển. Phi công mất tích và được xem là đã chết.

 

“JASDF đang trở thành công cụ bảo vệ quyền lực chính”, Michael Auslin, một chuyên gia về an ninh Nhật ở một cơ quan phân tích có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho hay. “

 

Có trong tay 362 chiến đấu cơ, hầu hết là F-15, F-4 và F-2, Nhật là một trong những cường quốc trên không hàng đầu trong khu vực.

 

Nhưng những nhà làm quy hoạch từ lâu đã lo ngại đến tuổi tác của những máy bay này, cùng với đó là tốc độ bắt kịp khả năng trên không ngày càng được cải tiến của nước láng giềng Nga, Trung Quốc. Nhật đã và đang dùng F-15, mà hiện có khoảng 200 chiếc, là chiến đấu cơ chính của nước này kể từ tận đầu những năm 1980, mặc dù chúng đã được nâng cấp trong suốt những năm qua.

 

Khi F-22 “bất khả thi”

 

Lựa chọn hàng đầu của Tokyo từng là chiếc F-22 Raptor tàng hình của Mỹ, có thể bay với tốc độ siêu thanh và được nhiều chuyên gia tung hê là chiến đấu cơ tiên tiến nhất trên bầu trời. Nhật là nước duy nhất triển khai F-22 thường xuyên bên ngoài nước này, đã nhiều lần lui tới Căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở đảo Okinawa.

 

Có được F-22 sẽ là bước nhảy về lượng cho Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, do tính nhạy cảm về công nghệ, quốc hội Mỹ đã phản đối bán F-22 cho nước ngoài. Ngân sách hạn hẹp tại Mỹ lại càng buộc Washington phải giảm mạnh đơn đặt hàng của chính nước này đối với chiếc máy bay có giá “siêu chát”. Chính vì vậy mà tương lai của F-22 giờ đây cũng khá mờ mịt.

 

Với chiếc F-22 không thành hiện thực, Nhật đã để mắt tới 3 chiếc khác để làm chiến đấu cơ chủ chốt tiếp theo của mình - Lockheed F-35, F/A-18 Super Hornet và Eurofighter Typhoon. Hợp đồng gây tranh cãi nảy lửa cho hơn 40 chiếc “F-X” hay “thế hệ kế tiếp” trị giá ít nhất 8 tỷ USD trở lên và những chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao tới Nhật vào năm 2016.

 

Nhật Bản chắc chắn cũng còn có một lựa chọn nữa, đó là Mỹ.

 

Washington là đồng minh lớn của Tokyo. Gần 50.000 lính Mỹ đang đồn trú tại  Nhật theo một hợp đồng an ninh. Lực lượng không quân Nhật phải phối hợp chặt chẽ với phía đối tác Mỹ, và việc sử dụng thiết bị giống hoặc tương tự khiến việc phối hợp trở nên dễ dàng hơn.

 

Mối lo từ các nước láng giềng

 

Theo giới phân tích lo ngại chính của Nhật là Trung Quốc và Nga. Trung Quốc gần đây đã trình làng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới, Thành Đô J-20. Mặc dù chiến đấu cơ này vẫn còn phải mất nhiều năm mới đưa vào sử dụng được, nhưng nó lại được xem là đối thủ đáng gờm của F-22 và vượt trội hơn hẳn những gì Nhật Bản hiện có.

 

Còn Nga, nước cũng đang đạt được nhiều thành tựu trong khả năng tàng hình, đã phái 2 máy bay ném bom chiến lược thực hiện sứ mệnh “lượn vòng” trên các đảo của Nhật vào tháng trước, động thái được giới phân tích đánh giá là “phép thử” đối với chính quyền mới của Thủ tướng Yoshihiko Noda, vừa mới thành lập được 6 ngày trước đó.

 

“Với những hành động khiêu khích của Triều Tiên, sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, cùng với hoạt động tăng cường của nước này ở các vùng biển lân cận, tình hình an ninh quanh đất nước chúng ta đang trở nên u ám hơn”, ông Noda đã nói như vậy trong bài phát biểu tại cuộc trình diễn không quân. “Chúng tôi phải yêu cầu các bạn siết chặt đai mũ samurai của các bạn”.

 

Hoạt động quân sự gia tăng quanh Nhật được phản ánh ở sự gia tăng trong các cuộc triển khai khẩn của chiến đấu cơ Nhật nhằm phản ứng trước các vụ vi phạm không phận. Năm ngoái, theo Bộ quốc phòng, Nhật triển khai khẩn cấp 386 lần, tăng gần 25%.

 

Những thách thức như trên đã tiếp thêm khích lệ cho kế hoạch tổng đại tu của Nhật, mặc dù ngân sách cho quốc phòng của nước này giảm mạnh trong một thập niên qua – xu hướng đối nghịch với Trung Quốc, nước tăng cho ngân sách quốc phòng lên 2 con số nữa.

 

Những thách thức đó cũng buộc Tokyo phải sát cánh hơn nữa với Washington. Năm ngoái, Nhật đã nhất trí cho phép máy bay tiếp dầu hỗ trợ cho chiến đấu cơ Mỹ. Mặc dù chỉ thỏa thuận tiếp nhiên liệu trong các cuộc diễn tập, nhưng các chuyên gia đánh giá đó là một bước tiến tới củng cố khả năng cả hai nước này cùng phối hợp phản ứng trước các thách thức trong khu vực.

 

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm