1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Truyền thông quốc tế chú ý tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam

Minh Phương

(Dân trí) - Sự kiện Quốc hội Việt Nam thông qua các nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều hãng truyền thông quốc tế.

Truyền thông quốc tế chú ý tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước ngày 5/4 (Ảnh: Quốc Chính).

Các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, Bloomberg, AFP, Tân Hoa Xã ngày 5/4 đồng loạt đưa tin về sự kiện bầu ban lãnh đạo mới của Việt Nam.

AFP cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao ban lãnh đạo 5 năm một lần, trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII hồi tháng 1.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin, Quốc hội Việt Nam ngày 5/4 đã bầu nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, tiếp tục là một trong những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho hay: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam bầu một đương kim thủ tướng làm chủ tịch nước".

Hãng AFP của Pháp đưa tin, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu tuyệt đối (gần 500 đại biểu). AFP cũng nhắc lại, trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc, ngoài ra chiến dịch ứng phó đại dịch Covid-19 của chính phủ Việt Nam cũng nhận được sự khen ngợi cả ở trong nước và quốc tế.

AFP dẫn nhận định của ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia chính trị tại Đại học Wellington, Victoria (New Zealand) cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn phù hợp với chức danh chủ tịch nước vì những thành tựu về kinh tế cũng như thành tựu ứng phó dịch Covid-19. Cũng theo chuyên gia này, kinh nghiệm của ông Nguyễn Xuân Phúc trong "xử lý tốt mối quan hệ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump" sẽ giúp ông đảm nhiệm tốt các vấn đề đối ngoại ở cương vị chủ tịch nước.

Báo Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng trích dẫn lại các thành tựu mà Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc như, GDP tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6%. Năm 2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng 10 bậc về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, lên thứ hạng thứ 67 trong tổng số 141 quốc gia theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Truyền thông quốc tế chú ý tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam - 2

Ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng ngày 5/4 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Truyền thông quốc tế cũng đồng loạt đưa tin Quốc hội Việt Nam bầu ông Phạm Minh Chính làm tân Thủ tướng với 96,25% phiếu bầu. Trước khi được bầu làm Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính đã giữ các chức vụ như Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương... Reuters chú ý tới việc ông Phạm Minh Chính là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam chưa từng giữ chức phó thủ tướng kể từ sau thời kỳ "Đổi mới".

Bloomberg dẫn phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong đó ông cam kết sẽ "tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế", "đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng", "phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ", "tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân".

Báo Nikkei Asia Review của Nhật Bản dẫn nhận định của ông Carl Thayer, giáo sư Đại học New South Wales (Australia), cho rằng ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là "đẩy lùi đại dịch Covid-19, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của Việt Nam".

Peter Mumford, chuyên gia của công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cần thực hiện các cải cách kinh tế sau khi Việt Nam tham gia các thỏa thuận thương mại, và tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.

Truyền thông quốc tế chú ý tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam - 3

Ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội ngày 31/3 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, báo chí quốc tế cũng đưa tin, ngày 31/3, Quốc hội Việt Nam cũng nhất trí bầu ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Bloomberg dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, các lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa thị trường hơn nữa, cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.