1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc xây đường sắt trị giá 2 tỷ USD tại Iran

(Dân trí) - Trung Quốc dự kiến sẽ ký kết thoả thuận trị giá 2 tỷ USD nhằm xây dựng một tuyến đường sắt tại Iran và đây là bước đi đầu tiên của một kế hoạch lớn hơn nhằm nối Trung Đông và Trung Á với Bắc Kinh.

 
Trung Quốc xây đường sắt trị giá 2 tỷ USD tại Iran - 1
Trung Quốc đã khánh thành tuyến đường sắt Tây Tạng (ảnh) và đang lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt hiện đại dựa trên "Con đường tơ lụa" cũ xuyên Trung Á.

Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Liu Zhijun dự kiến sẽ tới thăm Tehran vào tuần này để ký kết thoả thuận trên, người đồng cấp Iran Hamid Behbahani cho hay.

“Một công ty Trung Quốc đã ký kết thoả thuận này và Bộ trưởng Trung Quốc sẽ tới thăm Iran vào ngày 12/9 tới để ký kết”, ông Behbahani xác nhận.

Tuyến đường sắt mới dài khoảng 580km, khởi hành từ Tehran chạy qua các thành phố Arak, Hamedan và Kermanshah tới thị trấn Khosravi giáp giới với Iraq.

Chính phủ Iran cho hay, tuyến đường sắt này có thể nối Iran với Iraq và thậm chí Syria trong khuôn khổ hành lang Trung Đông. Tuyến đường sẽ mang lại thuận tiện cho khoảng 5.000 người Iran hành hương mỗi ngày tới các thành phố thánh địa Najaf và Karbala tại Iraq.

Nicklas Swanstrom, giám đốc điều hành viện Trung Á-Caucasus tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng thoả thuận trên là bước đi đầu tiên của Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt toàn diện cho khu vực Trung Á.

“Khi xây dựng xong tuyến đường sắt tại Iran, Trung Quốc sẽ nhận được các hợp đồng nhằm mở rộng tuyến đường sắt sang Trung Á”, ông Swanstrom nhận định, liên hệ tới kế hoạch nhằm xây dựng một tuyến đường sắt từ Iran qua các quốc gia không có bờ biển là Tajikistan, Kyrgyzstan và cuối cùng tới Tân Cương (Trung Quốc), tạo nên một “Con đường Tơ lụa” hiện đại.

Tuyến đường sắt có thể giúp các quốc gia Trung Á tiếp cận với cảng Chahbahar của Iran bên bờ Vịnh Péc-xích và cho phép Trung Quốc xây dựng một tuyến đường sắt quan trọng tới châu Âu.

“Đối với Trung Quốc, tuyến đường có thể giúp cắt giảm 5-6% chi phí vận chuyển hàng hoá tới châu Âu”, giáo sư Swanstrom nói.

“Nhưng dự án cũng mang ý nghĩa chính trị, vì về mặt kỹ thuật Mỹ, châu Âu và Nga có thể chặn các tuyến đường biển của Trung Quốc nhưng nước này vẫn có một tuyến đường bộ. Và tuyến đường cũng góp phần đưa 2 nước xích lại gần nhau. Trung Quốc có thể làm giảm ảnh hưởng của Nga, Mỹ và châu Âu trong khu vực”.
 
Ngoài ra, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đưa ra đề xuất về một tuyến đường sắt mới tại một hội nghị ở Tehran hồi đầu năm nay.

Bộ trưởng giao thông các quốc gia Tajikistan, Afghanistan và Iran dự kiến sẽ nhóm họp tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan vào tháng tới để thảo luận về thoả thuận xây dựng tuyến đường sắt mới dài 2.000km đi qua các nước này. Ngân hàng phát triển châu Á đang tài trợ nghiên cứu khả thi cho dự án.

Iran muốn thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia láng giềng và tham vọng trở thành trung tâm thương mại của vùng, để xây dựng một liên minh vùng nhằm giúp nước này chống lại sự ảnh hưởng của liên minh NATO.

Iran đã từ chối tham gia kế hoạch của liên minh châu Âu về một hành lang thương mại xuyên châu Âu, Caucasus và châu Á, và thay vào đó tự mình xây dựng các thoả thuận song phương với các quốc gia láng giềng. Phó tổng thống Iran Reza Rahimi đã cam kết cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hoá giữa châu Âu và Trung Quốc từ 2 tháng bằng đường biển xuống còn 11 ngày bằng đường bộ.

Ở trong nước, Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng mạng lưới đường sắt cao tốc. Nước này cũng đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nối Bắc Kinh với London qua Nga và Trung Á.

Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (China Railway Group), công ty xây dựng đường sắt lớn nhất Trung Quốc, gần đây cũng tiết lộ rằng công ty này đã có liên hệ giai đoạn đầu với các công ty Nam Phi về vệc xây dựng các dự án đường sắt tại đây.

An Bình
Theo Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm