1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc với "quyền lực mềm” tại châu Á

(Dân trí) - Trong công cuộc tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo nên một vùng xóm giềng thân thiện, một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tạo ra một loạt mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương nhằm gắn kết hàng xóm với họ.

Nó giống như một địa điểm thuận lợi để tiến hành các vấn đề của quốc gia - một khu đa hợp rộng, bao quanh bởi những hàng cọ với những hồ nước phản chiếu, một hòn non bộ và những lá cờ tung bay.

Đó là toà nhà Bộ ngoại giao tương lai của Đông Timor, như chú dẫn trên bảng thông báo lớn đặt tại ngay cổng của công trình xây dựng và là một món quà từ chính phủ Trung Quốc. Cùng với một dinh tổng thống mới cũng được phía Trung Quốc thi công, đó sẽ là một trong những toà nhà ấn tượng nhất tại thủ đô Dili vốn thiếu bóng các toà nhà cao tầng.

Các dự án xây dựng trên là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy sự hiện diện đang lên của Trung Quốc tại quốc gia nhỏ bé, xơ xác và ít nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Trung Quốc đã “chung tay” vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống thường nhật tại Đông Timor như xây dựng các doanh trại, cung cấp đồng phục cho quân đội, đưa tới đội ngũ y tế và cảnh sát, đào tạo các công chức và nông dân, mời sinh viên và các đoàn đại biểu cấp cao tới Bắc Kinh.

Sử dụng tên quốc gia chính thức là Timor-Leste, đại sứ Trung Quốc Su Jian tại Đông Timor phát biểu: “Chính phủ Trung Quốc cho rằng là đối tác, láng giềng và bạn tốt của Đông Timor, chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ một tay”.

Đông Timor từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha với khoảng 1 triệu dân. Năm 1999, Đông Timor chính thức giành được độc lập sau 25 năm dưới sự quản lý của Indonesia và đã nỗ lực đứng lên bằng đôi chân của riêng mình kể từ đó. Ngày 30/6, Đông Timor đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội, thành lập một chính phủ liên minh vào thời điểm tỉ lệ người thất nghiệp cao. Khoảng 20.000 người đang cần trợ giúp lương thực và 100.000 người đã rời bỏ nhà cửa do làn sóng bạo lực bùng phát vào năm ngoái.

Cũng theo ông Su Jian, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Đông Timor khi quốc gia này giành độc lập vào năm 2002. “Các nhà lãnh đạo của Timor-Leste coi Trung Quốc giống như một người anh trai và là người bạn tin cậy nhất” - Đại sứ Trung Quốc phát biểu.

Lập trường thân thiện của Trung Quốc là một phần của chính sách kinh tế và ngoại giao lớn xuyên suốt khu vực, được gọi bằng những cụm từ như “quyền lực mềm” và “tấn công thân thiện”.

Đối lập với một chính sách đối đầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Trung Quốc đã kìm bớt lợi ích riêng khi gia tăng thương mại và viện trợ khắp Đông Nam Á.

Joshua Kurlantzick, một chuyên gia về Trung Quốc nhận định: “Trong một khu vực mà Trung Quốc vốn có ảnh hưởng, các quốc gia đều mong muốn Trung Quốc là đối tác thân thiện. Họ nhận thấy rằng các quốc gia này có tiềm năng chiến lược hơn so với Mỹ, vì vậy, họ sẵn sàng chi tài nguyên cho các quốc gia đó”.

Một số nhà phân tích cho rằng, về lâu về dài, Trung Quốc có thể muốn tạo ra tầm ảnh hưởng riêng, vượt qua ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Mối bận tâm ngày nay của Washington là chiến tranh và các âm mưu khủng bố, đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.

Daljeet Singh, nhà phân tích chính sách vùng tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Họ đã mở rộng ảnh hưởng và xây dựng mối liên hệ với các chính phủ bằng những cách thức rất cẩn thận và công phu”.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu tại Myanmar và Campuchia. Gần đây, Trung Quốc đã tham gia trực tiếp vào phạm vị ảnh hưởng của Mỹ với các dự án lớn ở Philippines, trong đó có các dự án thoát nước và đường cao tốc lớn. Trung Quốc cũng đang gia tăng sự hiện diện tại Thái Lan và Indonesia.

Đông Timor là một phần của bức tranh Trung Quốc nuôi dưỡng các mối quan hệ với các nước nghèo tại Châu Á và Thái Bình Dương.

“Trung Quốc rất có kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các quốc gia nhỏ và đang phát triển tại châu Phi. Chính phủ Trung Quốc biết chính xác những thứ mà các quốc gia này cần và có thể cung cấp cho họ những kỹ năng và công nghệ rất thực dụng”, đại sứ Trung Quốc tại Đông Timor Su Jian nói.

Đông Timor có một dàn khoan dầu và vị trí địa lý của quốc gia này nằm trên đường biển giữa IndonesiaAustralia có thể là một lợi thế. Đại sứ Trung Quốc cho biết tập đoàn năng lượng PetroChina đã ký hợp đồng thăm dò dầu ngoài khơi và Trung Quốc có thể tham gia vào các dự án liên quan tới dầu mỏ của Đông Timor.

VTH

Theo IHT