Trung Quốc và “ván bài lật ngửa”
Năm 2012, Trung Quốc đã chơi một “canh bạc lớn” với ba điểm nóng liên tiếp là vụ bãi cạn Scarborough, sự kiện “TP Tam Sa” và tranh chấp tại Senkaku. Liệu sau “ván bài lật ngửa” này, Trung Quốc sẽ lại “chơi chiêu” gì mới?
Vậy tương lai của Trung Quốc trong các vùng biển này sẽ như thế nào? Liệu những điểm nóng trên sẽ tiếp tục leo thang và trở thành những xung đột nghiêm trọng hơn nữa?
Điểm nóng gia tăng tại Hoa Đông
Thái Bình Dương bốn tháng cuối năm 2012 trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi lần lượt Bộ trưởng Quốc phòng Leo Panetta, Ngoại trưởng Hillary Clinton và cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có hàng loạt chuyến công du đến các quốc gia đồng minh và các đối tác, cả truyền thống lẫn tiềm năng, tại khu vực này. Chuyến viếng thăm lịch sử của ông Obama tại Myanmar là một minh chứng không thể phủ nhận cho chiến lược “trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của Washington. Rõ ràng trong năm 2013, Nhật Bản sẽ không hề cô độc tại Hoa Đông.
Cảnh sát biển Nhật Bản phun vòi rồng vào tàu cá Trung Quốc hồi tháng 1-2013. Ảnh: npr.org
Một điều quan trọng khác cần lưu ý, Nhật Bản là quốc gia có lực lượng hải quân hùng hậu đứng thứ tư thế giới. Không dừng ở đó, vừa qua Tokyo còn quyết định tăng chi đầu tư quốc phòng thêm 1,1 tỉ USD nhằm chủ yếu để đối phó với các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Senkaku. Chưa nói đến việc Nhật Bản có một mối quan hệ hợp tác quân sự rất tốt với Ấn Độ, Úc và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nói cách khác, nước Nhật có đủ thế và lực để đương đầu với một Trung Quốc đang thèm khát khẳng định vị thế cường quốc thế giới. Và theo một lẽ tất nhiên, đối với những nhà nghiên cứu về quản lý xung đột, khi hai quyền lực ngang ngửa nhau thì rủi ro tranh chấp “nóng lên” và trở thành xung đột là điều rất dễ xảy ra. Kết quả của “phép thử” Senkaku cuối 2012, với những phản ứng đáp trả mạnh mẽ từ cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ, đã báo hiệu cho một viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra xung đột Hoa Đông.
Biển Đông thay đổi
Sau một loạt các động thái căng thẳng của Trung Quốc tại cả Hoa Đông và biển Đông trong năm 2012, có thể thấy phản ứng của chính quyền Hoa Kỳ tại Đông Nam Á có thể nói là “yếu ớt” và “không rõ ràng” nhất. Nếu hình dung ba điểm nóng đã đề cập như ba phép thử của Trung Quốc nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, cũng như sự chặt chẽ trong hệ thống mà Washington đã xây dựng nên nhằm bao bọc và kìm hãm Bắc Kinh, thì rõ ràng Đông Nam Á đang bộc lộ những dấu hiệu trở thành mắt xích lỏng lẻo bật nhất của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2013 sẽ là Brunei. Với thực tế rằng Brunei là quốc gia có tiềm lực quân sự, cũng như vị thế chính trị gần như là thấp nhất trong khối ASEAN, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục áp đặt được ảnh hưởng của mình lên tổ chức các quốc gia Đông Nam Á. Một ASEAN 2012 chia rẽ, dưới khung thời gian chủ trì của Campuchia, đã gây nên rất nhiều khó khăn cho các nước Đông Nam Á trong việc tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề biển Đông. Một ASEAN 2013 (nếu) tiếp tục thiếu đoàn kết dưới sự chủ trì của Brunei sẽ chắc chắn một lần nữa đẩy vấn đề biển Đông ra xa khỏi bàn nghị sự. Đây sẽ lại là điều kiện để Trung Quốc sử dụng con bài “chia để trị” và “gặm nhấm từng phần”, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, lấn chiếm dần dần biển Đông bằng nhiều hình thức quân sự, kinh tế và ngoại giao.
Vẫn còn đó kịch bản xấu nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc đặt những lợi ích cùng chia sẻ của họ lên trên lợi ích của khu vực và của các nước nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự trở lại mạnh mẽ của Washington tại Thái Bình Dương, cùng với việc ông Obama giờ đây đã thoát khỏi gánh nặng vận động tranh cử, một tương lai Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề biển Đông vẫn là khả dĩ. Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng Brunei sẽ rút được những kinh nghiệm quý báu từ người tiền nhiệm Campuchia, khi cần phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích nhất thời và cục bộ quốc gia. Một dấu hiệu lạc quan đầu năm khi chính quyền Brunei vừa qua đã tuyên bố sẽ đặt vấn đề “tranh chấp biển Đông là ưu tiên hàng đầu” với tư cách là chủ tịch ASEAN.
Bên cạnh đó, ngày 5-1-2013, ASEAN cũng vừa hoan nghênh chào mừng tổng thư ký mới của mình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Lương Minh. Đây là một lợi thế vô cùng to lớn cho Việt Nam trong việc tìm kiếm một tiếng nói chung tại ASEAN đối với các tranh chấp liên quan đến biển Đông và Trung Quốc.