1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc: Từ tàu sân bay thứ hai tới chiến lược "hai ngạnh"

(Dân trí) - Theo giới phân tích, việc hải quân Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay thứ hai, sau tàu sân bay Liêu Ninh, đang khiến hải quân Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc, đứng ngồi không yên ở tây Thái Bình Dương.

 

Thấy gì từ việc Trung Quốc đóng tàu sân bay thứ hai?

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

 

 

Tờ Bưu điện Hoa Nam hôm chủ nhật vừa qua cho biết việc xây dựng tàu sân bay kế tiếp của Trung Quốc đã được bắt đầu ở thành phố cảng Đại Liên và ước tính con tàu sẽ hoàn tất vào năm 2018. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với vỏ tàu hoàn toàn do Trung Quốc tự chế và hải quân Trung Quốc muốn có một hạm đội gồm 4 tàu sân bay vào năm 2020. Tờ báo tiếng Anh ở Hồng Kông đã dẫn tin tức trên mạng cho nguồn tin trên. Tuy nhiên, cũng theo Bưu điện Hoa Nam, những tin tức trên mạng sau đó đã bị xóa.

 

Việc thúc đẩy xây dựng tàu sân bay, tàu hoạt động ngoài khơi xa nhất trong hạm đội được gọi là “nước xanh”, diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang mở rộng các tuyên bố chủ quyền của mình ở các vùng biển và phát triển vũ khí cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ cho những tuyên bố chủ quyền đó.

 

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài nữa mới có thể đuổi kịp quy mô của hải quân Mỹ, hiện sở hữu trong tay 10 tàu sân bay lớp Nimitz và đang xây dựng thêm 2 tàu lớp Ford nữa. Với chiều dài 335m, mỗi tàu của Mỹ dài hơn khoảng 30m so với tàu sân bay duy nhất, Liêu Ninh, của Trung Quốc- tàu với vỏ được mua lại từ tàu cũ của Ukraine vào năm 1998. Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sở hữu 9 tàu tấn công lưỡng cư dài 256m, vốn được hải quân Mỹ đánh giá giống như những “tàu sân bay loại nhỏ”. 2 chiếc nữa đang được xây dựng. Và không một nước nào khác có hơn 2 tàu sân bay.

 

Trung Quốc khẳng định vũ khí của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ, được thiết kế để giữ cho người nước ngoài “tránh xa” Trung Quốc. Theo giới phân tích, hải quân nước ngoài duy nhất có thể đối phó với một Trung Quốc đang ngày một bành trướng, đó là hải quân Mỹ, đội quân mà dưới thời của Tổng thống Obama, đang chuyển hướng tập trung, sức mạnh sang Thái Bình Dương.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng “trục xoay” của Mỹ đã là đủ. “Rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc rất tham vọng và chính sách ngoại giao cùng đội quân của họ đang chuyển hướng tới vị thế một cường quốc lớn hoặc ít nhất là bá chủ khu vực. Để đạt được mục tiêu này họ thực hiện một loạt bước tiến nhỏ, để chỉ vấp phải sự phản kháng nhỏ nhất từ các nước cạnh tranh ở Thái Bình Dương, đồng minh của Mỹ”, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Seth Cropsey, hiện làm việc ở Viện Hudson, cho biết trước một ủy ban quốc hội Mỹ vào tháng trước. “Mỹ lại đang không xem khả năng này nghiêm trọng như cần có.”

 

Theo Jim Thomas, thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) gần đây cho biết trước Quốc hội Mỹ rằng, chi tiêu cho quân đội của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong vòng một thập niên qua và hiện đang xấp xỉ bằng 1/3 chi tiêu của Mỹ. Nhưng “không giống như Mỹ, với những trách nhiệm an ninh toàn cầu nặng nề, Trung Quốc có thể tập trung nguồn lực của mình gần như toàn bộ cho việc hỗ trợ chiến lược chống can thiệp vào khu vực của mình”, Thomas nhận định. Mục tiêu của họ là: “Tiến hành những chiến dịch ngắn và quyết đoán trước khi bên ngoài, như Mỹ, có thể can thiệp một cách hiệu quả.”

 

Theo giới phân tích, chiến lược của Trung Quốc có "hai ngạnh". Đầu tiên, một hạm đội tàu sân bay là minh chứng cho sức mạnh quân sự lớn mạnh, cho họ có khả năng tấn công các mục tiêu từ xa bờ lục địa. Nhưng chỉ riêng xây dựng những con tàu này đã vô cùng phức tạp, chứ chưa nói đến việc vận hành chúng lại càng phức tạp hơn. Có thể hình dung các tàu sân bay giống như vũ khí hạt nhân, dễ làm người ta nản chí khi xây dựng, phá hủy và sử dụng theo đúng nghĩa quân sự lại càng thách thức hơn.

 

“Tàu sân bay phức tạp hơn bất kỳ hoạt động triển khai nào chúng tôi đã tiến hành”, tướng quân đội Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết vào tháng trước. “Bằng tàu sân bay, người Trung Quốc còn lâu mới là mối đe dọa của chúng ta”, ông tuyên bố.

 

Đó là lý do vì sao "ngạnh" thứ hai trong chiến lược của Trung Quốc lại đóng vai trò quan trọng. Thay vì thách thức tàu sân bay Mỹ ở vùng biển sâu bằng những tàu chiến tương tự, nước này lại đang phát triển tên lửa DF-21D, được đặt trên đất liền và có thể mang đầu đạn mạnh. Tên lửa với biệt danh “sát thủ tàu sân bay” này được thiết kế vươn xa, tấn công tàu sân bay Mỹ từ cách đó ít nhất 1500km.

 
Năm 1996, hải quân Mỹ đã phái cặp tàu sân bay tới vùng biển ngoài khơi Đài Loan, sau khi Bắc Kinh dọa tấn công tên lửa vào hòn đảo này. Với phát triển DF-21D, Trung Quốc đã khiến Mỹ phải cân nhắc trước khi thực hiện điều đó một lần nữa.

 

Năm ngoái, Trung Quốc đã thử DF-21D trên sa mạc Gobi. Mặc dù độ chính xác của nó vẫn còn là một nghi vấn, nhưng theo Thomas, thuộc CSBA, Trung Quốc có thể tấn công dồn dập để bù lại khả năng chưa chính xác. “Trung Quốc có khả năng sẵn sàng vung tay tới hàng trăm tên lửa đạn đạo chống hạm, với chi phí ước tính lên tới 25 triệu USD cho một cuộc tấn công nhằm phá hủy hoặc chỉ một sứ mệnh tiêu diệt tàu sân bay cũng có giá tới 10-15 triệu”, ông cho hay.

 

Vũ Quý

Theo Time