1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tự nhận “dầu ở Biển Đông là tài sản quốc gia”

(Dân trí) - Dù lượng dầu hỏa và khí đốt tại Biển Đông chưa được xác định, nhưng chính quyền Trung Quốc lại xem toàn thể tài nguyên thiên nhiên trong khu vực này là của họ. Đây là một phần của âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Trung Quốc tự quyết định “dầu ở Biển Đông là tài sản quốc gia”


 

Với tựa đề “Trung Quốc quyết định xem nguồn dầu ở Biển Đông là của họ” báo mạng OilPrice.com nhận định: “Vào lúc công luận phương Tây tập trung sự chú ý vào bắc Á với vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên và cuộc tranh chấp Nhật-Trung tại Senkaku/Điếu Ngư thì xa hơn về phương nam, vùng biển Đông Nam Á cũng đang dậy sóng ngầm. Mặc dù có bản Tuyên bố ứng xử tại biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền qua cái gọi là bản đồ cổ” với đường ranh 9 đoạn.

 

Chính sách biển của Trung Quốc không phải chỉ để làm bá chủ đường giao thông trên mặt biển và chiếm đoạt nguồn hải sản trong lòng biển mà còn nhằm tóm thâu toàn bộ tài nguyên dầu khí dưới đáy biển.

 

Vấn đề là trong những ngày gần đây, một cơ quan phương Tây có thẩm quyền về nhiên liệu dự báo biển Đông có rất ít dầu lửa. Bản báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Energy Information Agency (EIA) của chính phủ Mỹ công bố ngày 07/02/2013 nhận định: “Biển Đông là con đường huyết mạch của thương nghiệp thế giới và cũng là nơi có tiềm năng dầu khí, tạo ra những tranh chấp chủ quyền trên biển lẫn tài nguyên”. Tuy nhiên, sau khi nhận định như trên, EIA lại thông báo thẩm định trữ lượng dầu tại Biển Đông chỉ độ 11 tỷ thùng và về khí đốt thì chỉ độ 190 tỷ mét khối.

 

Thẩm định trữ lượng dầu khí tại Biển Đông do cơ quan EIA của Mỹ đưa ra rất thấp so với hai kết quả khảo sát từng được thông báo trước đây. Theo tính toán của cơ quan thăm dò địa chất của Mỹ US Geological Survey thì biển Đông có khoảng 28 tỷ thùng dầu.

 

Theo John C.K Daly thì thực sự “không ai rõ Biển Đông chứa bao nhiêu dầu, bao nhiêu khí đốt vì hải quân Trung Quốc gây sự, đuổi tất cả tàu thăm dò của nước ngoài”. Nhà phân tích Mỹ dự báo “dù ước lượng của EIA ít ỏi dù biển Đông có 11 tỷ thùng dầu hay 200 tỷ thùng thì không ai bỏ đi cả”.

 

Và càng đổ thêm dầu vào lửa bất ổn, EIA cho biết 3 tháng trước công ty dầu lửa quốc gia Trung Quốc CNOOC đã ước tính Biển Đông có khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 tỷ mét khối khí đốt. Không có nguồn tin độc lập nào công nhận số liệu của Trung Quốc nhưng sự kiện này cho thấy Bắc Kinh sẽ bám chặt Biển Đông khi mà nhu cầu dầu lửa buộc họ phải nhập khẩu trong năm 2012 đến 6 triệu thùng mỗi ngày.

 

Theo nhận định của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ thì các quốc gia chung quanh Biển Đông chọn giải pháp hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên. Malaysia và Brunei bắt tay khảo sát dầu khí ngoài khơi Brunei. Thái Lan và Việt Nam cùng thăm dò địa chất trong Vịnh Thái Lan. Trong khi đó, Trung Quốc sau khi chiếm Hoàng Sa năm 1974, tiếp tục lấn sâu về phương nam, ngang nhiên tranh giành chủ quyền tại quần đảo Trường Sa gồm 750 đảo lớn nhỏ, bãi đá ngầm và nhiều lần va chạm với Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

 

Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể tự do thao túng từ khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược về châu Á. Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc ra tòa án biển của Liên Hiệp Quốc. Theo John CK Daly, quyết tâm của Manila được thúc đẩy bởi sự kiện Hoa Kỳ đang thương lượng để thuê trở lại căn cứ không quân Clark và quân cảng Subic Bay.

 

Vũ Quý
Theo Oilprice, AFP