Trung Quốc tìm cách thúc đẩy cơ chế tránh va chạm ở Biển Đông
(Dân trí) - Tờ South China Morning Post của Hong Kong ngày 7/9 dẫn ý kiến chuyên gia cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào cho một cơ chế hợp tác tránh các nguy cơ va chạm trên biển.
Dù vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dự kiến được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN song các nhà ngoại giao cho biết không có nhiều khả năng các bên đạt được sự đột phá.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 6/9 đã tới thủ đô Viêng Chăn của Lào để tham dự hội nghị trên và các hội nghị khác, cũng như có các cuộc gặp với giới lãnh đạo cấp cao của Lào. Hiện chưa có thông tin về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trong khi đó, ông Wu Shicun, Giám đóc Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, cho biết có khả năng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy việc thông qua Bộ Quy tắc về ứng xử trong các trường hợp bất ngờ trên biển. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Đông Nam Á cũng sẽ cân nhắc việc thiết lập một đường dây nóng để quản lý các vấn đề hang hải khẩn cấp tại Biển Đông.
Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng kể từ sau khi tòa trọng tài quốc tế tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ đòi hỏi về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Tháng trước, Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhất trí về việc thúc đẩy quá trình thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Còn trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Duterte đã tuyên bố rằng những tranh chấp chủ quyền trong khu vực cần phải được giải quyết thông qua những biện pháp hoà bình. Tổng thống Philippines cũng khẳng định rằng Manila sẽ duy trì đối thoại với Bắc Kinh sau phán quyết của PCA.
Tại thủ đô Manila, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, ông Ernesto Abella cho biết nước này mong muốn đối thoại với Bắc Kinh để hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương. Ông Abella nói: “Quan điểm của Tổng thống rất rõ rằng ông hy vọng sẽ mọi vấn đề sẽ trở nên suôn sẻ. Cần có thời gian để thảo luận về một số vấn đề cụ thể song cơ bản là việc duy trì quan hệ ngoại giao”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên căng thẳng khi người tiền nhiệm của ông Duterte, cựu Tổng thống Benigno Aquno kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế năm 2013. Sau đó, mọi việc đã chuyển sang hướng tích cực kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. Mới đây, Tổng thống Philippines đã cử Đặc phái viên Fidel Ramos tới Hong Kong để thảo luận về các vấn đề liên quan tới khả năng tổ chức đàm phán song phương.
Ông Abella cho biết cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Duterte bên lề hội nghị ASEAN “chưa được lên lịch”. Trong khi đó, chuyên gia Wu nhận định rằng ông không bất ngờ nếu lãnh đạo Trung Quốc và Philippines không gặp nhau vì tầm quan trọng của vấn đề và giới hạn thời gian của sự kiện.
Trong khi đó, ông Chen Gang, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường có thể sẽ thúc đẩy sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” và thoả thuận thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN tại hội nghị đang diễn ra ở Lào.
Ông Chen Gang nói: “Căng thẳng trong khu vực có xu hướng giảm sau khi Philippines và Myanmar có đội ngũ lãnh đạo mới, những người có quan điểm không quá cứng rắn về vấn đề Biển Đông”.
Ngọc Anh
Theo SCMP