1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc tham vọng xây đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đi Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc đang cân nhắc các kế hoạch nhằm xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đi Mỹ. Toàn bộ hành trình dự kiến dài 13.000 km và chạy qua vùng Siberia của Nga.

Tuyến đường sắt Trung-Mỹ có thể dài 13.000 km.

Tuyến đường sắt Trung-Mỹ có thể dài 13.000 km.
 
Tờ Beijing Times đưa tin, tuyến đường sắt cao tốc sẽ bắt đầu tại vùng tây bắc Trung Quốc và chạy qua vùng Siberia của Nga, đi qua một đường hầm dưới Thái Bình Dương sau đó cắt ngang qua Alaska và Canada tới đất liền nước Mỹ.

Tờ báo trích lời ông Wang Mengshu, một chuyên gia đường sắt từ Viện Công nghệ Trung Quốc, nói rằng việc tuyến đường sắt đi qua eo biển Bering giữa Nga và Alaska sẽ cần một đường hầm dài 200 km dưới biển.

“Hiện chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận. Nga đã suy nghĩ về dự án này nhiều năm rồi”, ông Wang nói.

Dự án - có tên gọi “Đường sắt Trung-Nga+Mỹ” - có thể dài 13.000 km, dài hơn 3.000 km so với tuyến đường sắt xuyên Siberia. Toàn bộ hành trình có thể mất 2 ngày, với điều kiện tàu chạy ở tốc độ trung bình 350 km/h.

Kế hoạch trên gây ra nhiều ngờ vực. Không chuyên gia đường sắt Trung Quốc nào ủng hộ dự án trên. Hiện chưa rõ chính phủ Trung Quốc đã tham khảo Nga, Mỹ và Canada hay chưa.
 
Chỉ riêng đường hầm xuyên eo biển Bering cũng gây ra một thách thức lớn về mặt thiết kế - đó có thể là đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới, gấp 4 lần độ dài của đường hầm Channel nối Anh và Pháp.

Trang tin China Daily cho biết, công nghệ đường hầm “đã sẵn có” và sẽ được sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối tỉnh Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc với Đài Loan.

“Dự án trên sẽ do Trung Quốc xây dựng và chịu chi phí. Các chi tiết của dự án chưa được ấn định”, nguồn tin trên cho biết.

Beijing Times cho hay, tuyến đường sắt Mỹ-Trung là một trong 4 dự án đường sắt cao tốc quốc tế hiện đang được nghiên cứu triển khai.

Một tuyến đường sắt có thể chạy từ London, qua Paris, Berlin, Warsaw, Kiev và Mátxcơva, nơi nó tách làm 2 tuyến, một tuyến chạy tới Trung Quốc qua Kazakhstan và tuyến còn lại tới phía đông Siberia.

Dự án thứ 2 có thể bắt đầu tại thành phố Urumqi ở cực tây Trung Quốc chạy qua Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và tới Đức.

Dự án thứ 3 có thể bắt đầu tại thành phố Côn Minh ở tây nam Trung Quốc và kết thúc tại Singapore.

Các dự án trên đang ở các giai đoạn lên kế hoạch và phát triển khác nhau, theo Beijing Times.

An Bình
Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm