1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng cường lực lượng “hải quân thứ hai”

Theo tiết lộ của các chuyên gia trong ngành đóng tàu Trung Quốc, rất nhiều dự án đóng tàu chấp pháp dự định bắt đầu vào năm 2015-2016 đều đã tiến hành đấu thầu sớm trong năm 2014. Ước tính trong 2 năm 2014 và 2015, nhu cầu thị trường tàu công vụ sẽ tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2 năm trước.


Như vậy, Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng số lượng tàu công vụ để thực hiện chiến lược xâm chiếm các đại dương bằng tàu chấp pháp.

Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng chấp pháp biển mạnh nhất trên thế giới, vượt trội lực lượng bảo vệ an ninh biển thuộc dạng mạnh nhất châu Á của Nhật Bản. Hiện Nhật có khoảng 51 tàu từ cỡ 1.000 tấn trở lên và đang đóng mới khoảng 12 tàu nữa nhưng con số này chỉ bằng khoảng 1/4-1/3 số lượng tàu chấp pháp Trung Quốc. Ngoài các biện pháp mang tính cấp bách là hoán cải tàu chiến thành tàu cảnh sát biển, ngư chính và hải giám, Trung Quốc còn dự định đến năm 2015 sẽ hoàn tất kế hoạch đóng mới gần 50 tàu chấp pháp có lượng giãn nước từ 3.000-12.000 tấn, nhằm thực hiện chiến lược lâu dài để độc chiếm Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Các tàu chấp pháp cỡ lớn hiện đang chế tạo hoặc sắp khởi đóng của Trung Quốc gồm 6 tàu hải giám lượng giãn nước 3.500 tấn, 11 tàu ngư chính loại 3.500 tấn, 10 tàu hải cảnh cỡ 4.000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại chuyên chịu va đập lớp 5.000 tấn, 4 tàu hải cảnh loại 6.000 tấn và ít nhất là 4 tàu hải cảnh siêu lớn có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.

Đặc biệt là các tàu công vụ thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đang từng bước trang bị vũ khí, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc đấu tranh chấp pháp hoặc xung đột quân sự trên biển.

Theo tính toán, sau năm 2015, số lượng các tàu chấp pháp trên 1.000 tấn của Trung Quốc sẽ vào khoảng 200-300 tàu, trong đó gần một nửa thuộc loại từ 3.000 tấn trở lên. Đây chính là “lực lượng tiền tiêu” trong chiến lược tranh bá đại dương, là lực lượng nòng cốt trong tranh chấp chủ quyền, ngư trường và nguồn lợi hải dương với tàu công vụ các nước khác trong khu vực. Như vậy, sau năm 2015, Trung Quốc sẽ có lực lượng tàu chấp pháp siêu mạnh. Đây chính là lực lượng “Hải quân 2” hay còn gọi là “lực lượng tiền duyên” trong chiến lược độc chiếm đại dương. Các tàu này sẽ là lực lượng nòng cốt trong tranh chấp chủ quyền và nguồn lợi hải dương với tàu công vụ các nước khác trong khu vực.

Khi lực lượng tàu công vụ đã lấn át hoàn toàn các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chiến lược xâm chiếm các đại dương bằng “cuộc chiến tranh không khói súng”. Lực lượng tàu công vụ khổng lồ đông đảo của họ sẽ lấp kín các vùng biển, không cho đối thủ có cơ hội trong cuộc xung đột phi quân sự, nặng về tranh chấp, va đập.

* Một số trang mạng của Trung Quốc đưa tin: Trung Quốc mới đây đã tiến hành thử nghiệm thành công thiết bị lặn không người lái tại khu vực Bắc Biển Đông. Thiết bị lặn không người lái này có tên Hải Yến (HaiYan) do Trường Đại học Thiên Tân nghiên cứu chế tạo.

Các nguồn tin cũng nói rằng, thiết bị lặn này sẽ được phát triển thành một dạng tàu ngầm tấn công/robot tuần tra mới của Hải quân Trung Quốc và trong thời gian tới, có thể nó sẽ được triển khai để bảo vệ giàn khoan và các tàu Trung Quốc.

Theo thiết kế, thiết bị lặn không người lái Hải Yến có thể hoạt động liên tục dưới biển 30 ngày, độ sâu tác nghiệp tối đa khoảng 1.500 m, tốc độ 6km/h. Hải Yến được sử dụng động cơ đẩy hỗn hợp mới nhất, hình dạng bên ngoài giống như quả ngư lôi, dài 1,8m, đường kính 0,3 m, trọng lượng 70 kg.

Các bài viết trên báo mạng Trung Quốc nhận định rằng, trong tương lai, sự xuất hiện của thiết bị lặn Hải Yến sẽ ngăn chặn được cái mà họ gọi là “chiến thuật quấy rối của người nhái Việt Nam”. Đi xa hơn nữa, họ còn tưởng tượng ra tình huống rằng Hải Yến sẽ tuần tra xung quanh giàn khoan như một con cá mập và một khi “người nhái” của Việt Nam tiếp cận, nó sẽ phát hiện và tự động tấn công.

Có thể nói, nếu được triển khai trong thực tế, kế hoạch này sẽ là bước leo thang cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Thiết bị lặn Hải Yến có thể gây nguy hại và là mối đe dọa tiềm ẩn cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam cũng như tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường và hợp pháp tại khu vực Hoàng Sa. Nó cũng có thể đe dọa các phương tiện lưu thông trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải trong khu vực.

Theo Nguyễn Chiến
Chính phủ