Trung Quốc sẽ mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài
(Dân trí) - Trang mạng Diplomat ngày 26/11 dẫn lời một vị tướng quân đội Mỹ cho biết Bắc Kinh sẽ xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài trong một hợp đồng vừa đạt được có thời hạn 10 năm.
Trung Quốc vừa ký hợp đồng trên nhằm mở căn cứ quân sự đầu tiên của nước này tại quốc gia Djibouti, nơi giao cắt giữa vịnh Aden và biển Đỏ, Tướng David Rodriguez, Tư lệnh chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi cho biết với báo giới, Diplomat đưa tin.
Tướng Rodriguez cho hay Bắc Kinh sẽ xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti, căn cứ đầu tiên ở nước ngoài có cơ sở tại châu Phi. Theo tướng Rodriguez, đây sẽ là căn cứ hậu cần, qua đó Trung Quốc có thể vươn tầm hoạt động.
Cho đến nay Trung Quốc chưa lên tiếng xác nhận các báo cáo trên rằng nước này sẽ thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước ngoài, nhưng chính quyền Djibouti đã thông báo về chuyện này.
Trước đó vào tháng 5 năm nay, Tổng thống Ismail Omar Guelleh tiết lộ với hãng tin AFP rằng Trung Quốc và Djibouti đang thương thảo về việc mở căn cứ quân sự. Tổng thống Guelleh cho hay: “Sự hiện diện của Pháp tại Djibouti không mới. Mỹ nhận ra rằng vị trí của Djibouti có thể giúp hậu thuẫn trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực. Nhật Bản cũng muốn chống hải tặc và bây giờ là Trung Quốc muốn bảo vệ các lợi ích của họ và họ được hoan nghênh đón nhận”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích sau tuyên bố của Tổng thống Guelleh rằng: “Hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các quốc gia…Phía Trung Quốc sẵn sàng và có trách nhiệm đóng góp hơn nữa vào vấn đề này. Tuy nhiên, các giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không có bất kỳ một căn cứ quân sự nào ở nước ngoài.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất thiết lập sự hiện diện quân sự ở quốc gia Djibouti. Do vị trí chiến lược, quốc gia này còn là nơi một số quốc gia thiết lập căn cứ quân sự, trong đó có Mỹ. Pháp hiện đang đồn trú khoảng 1.500 binh sĩ tại Djibouti. Thậm chí Nhật Bản, vốn hiếm khi triển khai quân đội ra nước ngoài, cũng có sự hiện diện quân sự tại đây. Trước đó vào năm 2011, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã mở căn cứ quân sự gần sân bay quốc tế tại thành phố Djibouti để tổ chức các chiến dịch chống hải tặc.
Bản đồ địa lý quốc gia Djibouti (Ảnh: Operationworld)
Và Trung Quốc cũng có thể hiện diện quân sự tại Djibouti. Trung Quốc đã liên tục tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống hải tặc trên vịnh Aden từ năm 2008 nhưng vẫn chưa thiết lập một căn cứ ổn định tại đây. Các tàu của Trung Quốc đều phải neo đậu tạm thời ở Djibouti. Việc lập ra một trung tâm hậu cần (như tướng Rodriguez mô tả) sẽ cho phép Trung Quốc phục vụ các tàu thường xuyên được phái đến khu vực.
Christopher Yung, đồng tác giả của một công trình nghiên cứu năm 2014 về các giải pháp mở căn cứ quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc, phân tích rằng Bắc Kinh có thể theo đuổi một căn cứ hậu cần chức năng kép ở nước ngoài thay vì theo mô hình của Mỹ. “Những căn cứ hậu cần như này sẽ được thiết kế để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Hơn nữa, căn cứ quân sự cũng làm giảm gánh nặng chi phí về dịch vụ hậu cần cho các chiến dịch hải quân của Trung Quốc ở nước ngoài (phần lớn là chống hải tặc) ngoài việc hỗ trợ các chiến dịch bảo vệ công dân Trung Quốc cũng như tài sản của họ ở nước ngoài”, học giả Yung viết.
Đây có thể là phân tích chính xác về mô hình mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Djibouti để xây dựng một trung tâm hậu cần cho các chiến dịch chống hải tặc và các sự cố bất ngờ khác. Trước đó có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Guelleh đã xác nhận mối quan tâm của Trung Quốc trong việc lập ra căn cứ quân sự tại Djibouti, một tháng sau khi hải quân Trung Quốc sơ tán các công dân Trung Quốc và nhiều công dân nước ngoài từ Yemen do bất ổn. Còn theo Xinhua, Trung Quốc sơ tán 629 công dân nước này và 279 công dân nước ngoài, nhiều người trong số này được di chuyển đến Djibouti. Đây là lần thứ 2 trong 5 năm qua, Bắc Kinh tiến hành sơ tán quy mô lớn như vậy tại khu vực Trung Đông.
Việc lập ra căn cứ quân sự tại Djibouti là bước tiếp theo về hậu cần của Bắc Kinh. Nhưng tướng Rodriguez không tỏ ra lo ngại về vần đề này, theo tờ The Hill. Ông Rodriguez phân tích các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại châu Phi phần lớn giới hạn ở các sứ mệnh gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc phát động và cung cấp huấn luyện cho các quan chức quân đội.
Vũ Duy
Theo The Diplomat