Trung Quốc né tránh thảo luận với Mỹ về Biển Đông
(Dân trí) - Ngay khi mở màn vòng Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên Mỹ - Trung Quốc hôm qua 6/6, Bắc Kinh đã hối thúc Washington bỏ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sang một bên, thay vào đó theo đuổi các lĩnh vực dễ đàm phán hơn như biến đổi khí hậu.
Mở đầu đối thoại tại Bắc Kinh hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: “Việc có bất đồng không có gì đáng sợ. Điều quan trọng là không sử dụng bất đồng như một cái cớ cho sự đối đầu. Một số bất đồng không thể giải quyết ngay lập tức, tuy nhiên hai bên nên có thái độ mang tính xây dựng và thực tế. Thái Bình Dương nên là khu vực để hợp tác, không phải để cạnh tranh". Ông Tập còn nói rằng Mỹ cần tăng cường “sự tin tưởng lẫn nhau” để tránh các “đánh giá sai lầm chiến lược”.
Bắc Kinh đã hối thúc Washington bỏ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sang một bên, thay vào đó theo đuổi các lĩnh vực dễ đàm phán hơn như biến đổi khí hậu, vấn đề kinh tế hay chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Bất chấp “đòn phủ đầu” của ông Tập, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia Đối thoại, nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và phản đối bất cứ quốc gia nào giải quyết tranh chấp thông qua hành động đơn phương”.
Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên Mỹ-Trung là dịp để hai quốc gia tập trung thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có việc tìm tiếng nói chung cho những bất đồng. Biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống khủng bố, hợp tác kinh tế và thương mại được cho là những vấn đề chính của cuộc đối thoại trong 2 ngày 6-7/6.
Trước khi dự vòng Đối thoại ở Trung Quốc, ông Kerry đã cảnh báo ý đồ của Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông là “hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Tại Diễn đàn an ninh Shangri-La diễn ra cuối tuần qua tại Singapore, giới chức quốc phòng Mỹ và các nước châu Á cũng đồng loạt lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh ngừng các hoạt động bành trướng ở Biển Đông và tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế liên quan đến vụ kiện yêu sách “đường lưỡi bò”.
Tòa án trọng tài thường trực ở Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong vài tuần tới. Tuy vậy, cuối tuần qua, Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của tòa.
Minh Phương
Theo AFP