Trung Quốc mở rộng địa hạt chống tham nhũng sang Quốc hội
(Dân trí) - Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc sắp có thêm những bước đi mới khi Đảng Cộng sản nước này quyết định mở rộng phạm vi giám sát sang Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao nhất ở nước này theo quy định Hiến pháp.
Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết cơ quan này sẽ lần đầu tiên cử các điều tra viên tới Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) để làm nhiệm vụ giám sát, điều tra.
“Đây là lần đầu tiên CCDI cử các giám sát viên tới Quốc hội”, Phó trưởng ban CCDI Trần Văn Thanh xác nhận trong thông cáo đăng trên trang web của ủy ban chống tham nhũng.
Theo thông cáo trên, các giám sát viên sẽ "nằm vùng" tại 6 cơ quan trọng yếu của Quốc hội, trong đó có Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại đây, các giám sát viên sẽ tập trung điều tra những sai phạm của giới chức cấp cao, đồng thời tiếp cận các tài khoản của cơ quan mình giám sát, cũng như những báo cáo của các quan chức liên quan tới các hoạt động và tình hình tài chính của cá nhân hay người thân.
Động thái này cho thấy ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình đứng đầu đang quyết tâm mở rộng phạm vi hoạt động trong chiến dịch "đả hổ, diệt rồi" lớn nhất kể từ sau vụ xét xử vụ "bè lũ bốn tên".
Trước đó, hầu hết các vụ xử tham nhũng ở Trung Quốc kéo dài hơn một năm qua chỉ tập trung vào đội ngũ lãnh đạo Đảng và quân đội các cấp, trong đó điển hình nhất là Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ủy ban Chính Pháp Trung ương, cựu Bộ trưởng Công an), Tướng Từ Tài Hậu (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương) và Bạc Hi Lai (nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành ủy Trùng Khánh). Theo thống kê, kể từ khi được tiến hành, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc đã "sờ gáy" hơn 63.000 quan chức các cấp, trong đó có ít nhất 63 quan chức cấp tỉnh và bộ trở lên bị "ngã ngựa".
Tất cả cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, từ cơ quan lập pháp tới chính phủ và quân đội đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, dù theo Hiến định Quốc hội mới là cơ quan quyền lực tối cao nhất.