Trung Quốc liên lạc với nhóm của ông Trump, để ngỏ cuộc gặp ở Davos
(Dân trí) - Trung Quốc hôm nay cho biết nước này đã liên lạc với nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và để ngỏ một cuộc gặp giữa hai bên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ vào cuối tháng này.
“Trung Quốc có liên lạc tốt với chính quyền Mỹ hiện thời và cũng có một kênh liên lạc suôn sẻ với nhóm của ông Trump”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tại một cuộc họp báo ngày 11/1.
Ông Li đã đưa ra câu trả lời trên cho câu hỏi của Thời báo Hoa nam Buổi sáng về khả năng diễn ra một cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các thành viên nhóm của ông Trump khi họ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos từ 17-20/1.
“Trong cuộc họp thường niên ở Davos, Trung Quốc sẵn sàng trao đổi các ý kiến với tất cả các biên (tại diễn đàn)”, ông Lý nói, cho biết thêm rằng các cuộc gặp song phương vẫn đang được thảo luận. “Miễn là hai bên có thời gian và thiện chí, chúng tôi sẵn sàng dàn xếp các cuộc gặp gỡ”, đại diện Trung Quốc cho hay.
Ông Tập Cận Bình sẽ là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên dự kiện đàn Davos năm nay, vốn diễn ra đúng vào dịp nhậm chức Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 20/1.
Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho hay “ai đó từ nhóm chuyển giao đại diện cho chính quyền Trump mới” sẽ dự diễn đàn.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng có mặt tại WEF.
Trả lời về việc vì sao ông Tập đích thân tham dự diễn đàn năm nay thay vì thông lệ các năm trước là cử thủ tướng hoặc phó thủ tướng tới Davos, ông Lý cho biết sự tham dự của nguyên thủ Trung Quốc diễn ra sau “nhiều lời mời từ Chủ tịch WEF Klaus Schwab qua các năm”.
Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với viễn cảnh u ám với việc Tổng thống đắc cử Trump của Mỹ công khai chỉ trích các thỏa thuận thương mại quốc tế và nguy cơ ngày càng gia tăng về sự đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Mexico trong bối cảnh ông Trump tìm cách tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ “để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc chỉ trích Bắc Kinh vì hạn chế sự tiếp cận của họ đối với thị trường và tạo lợi thế không công bằng cho các đối thủ Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu xem WEF là diễn đàn toàn cầu để bày tỏ tiếng nói về các quan điểm của nước này. Các thủ tướng Trung Quốc thường dẫn đầu các phái đoàn và phát biểu tại các sự kiện năm trước.
An Bình