1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc khơi nỗi lo về cuộc chiến nước?

(Dân trí) - Bức tường nước tràn qua các hẻm núi hẹp trên dãy Himalaya ở đông bắc Ấn Độ, cuốn trôi đất đá và cây cối. Dân làng vẫn còn nhớ, khi lũ tấn công ốc đảo của họ trên sông Brahmaputra, toàn bộ nhà cửa, gia súc, của cải đã bị cuốn trôi trong phút chốc.

 
Trung Quốc khơi nỗi lo về cuộc chiến nước?  - 1

Ngư dân đánh bắt cá trên một con sông cạn nước gần Bahir Jonai, bang Assam, Ấn Độ.

Không ai biết chính xác thảm họa xảy ra như thế nào, nhưng mọi người đều biết ai chịu trách nhiệm: nước láng giềng Trung Quốc.

“Chúng tôi không tin người Trung Quốc. Họ không đưa ra cảnh báo gì. Họ có thể làm như thế một lần nữa”, ngư dân Akshay Sarkar nói tại khu định cư ông sinh sống kể từ trận lũ năm 2000.

Cách đó 800km về phía đông, tại phía bắc Thái Lan, Chamlong Saengphet đứng trên dòng sông Mekong, với mực nước chỉ đến bắp chân cô. Chamlong đang lượm những loài rau có thể ăn được từ lòng sông đang thu hẹp dần. Một người hàng xóm của cô đã bỏ nghề chài lưới do đánh bắt giờ không được là bao.

Họ cùng chỉ lên thượng nguồn, về phía Trung Quốc.

Sự đổ lỗi đó, xuất hiện tại các thị trấn ven sông dễ bị tổn thương và các thủ đô châu Á, xuất phát từ nỗi lo sợ rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh chương trình xây đập thủy điện trên tất cả các dòng sông lớn chảy từ cao nguyên Tây Tạng có thể gây ra các thảm họa thiên nhiên, làm suy thoái các hệ sinh thái và làm trệch hướng các nguồn cung cấp nước quan trọng.

Một số nhà phân tích và các nhà hoạt động môi trường thậm chí còn nhắc tới chuyện nước có thể nguyên nhân gây ra chiến tranh hoặc căng thẳng ngoại giao trong tương lai, mặc dù những người khác cho rằng sẽ không đến mức như vậy. Nhưng việc vẽ lại bản đồ dòng chảy tại khu vực đông dân và “khát” nước nhất thế giới đang xảy ra trên quy mô lớn, với những tác động mang tính chiến lược

Chỉ trên 8 con sông bắt nguồn từ Tây Tạng, gần 20 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng, trong khi khoảng 40 đập khác đang được lên kế hoạch hoặc đề xuất.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phá vỡ dòng chảy của các con sông trong khu vực. Các nước khác cũng đang làm điều đó, với hậu quả thậm chí có thể tồi tệ hơn. Nhưng do “cơn khát” nước và năng lượng của Trung Quốc, sự kiểm soát của nước này đối với thượng nguồn các con sông cùng ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng có thể khiến Trung Quốc bị chỉ trích và nghi ngờ.

“Dù Trung Quốc có ý định sử dụng nước làm vũ khí chính trị hay không nhưng nước này có thể khóa vòi nước nếu họ muốn”, Brahma Chellaney, một nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của New Delhi và tác giả cuốn sách sắp ra mắt: “Nước: chiến trường mới của châu Á”, nhận định.

Còn nhà phân tích Neil Padukone gọi nước là “vấn đề lớn nhất có thể gây tranh cãi giữa 2 người khổng lồ châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ”. Nhưng các mối đe dọa có thể còn cao hơn vì 8 con sông bắt nguồn từ Tây Tạng cung cấp nước cho 1,8 tỷ người sống trong một khu vực rộng từ Pakistan đến châu thổ sông Mekong của Việt Nam.

Những nghi ngờ càng gia tăng khi Bắc Kinh thiếu minh bạch và từ chối chia sẻ các thông tin về thủy văn và các số liệu khác. Trung Quốc, cùng Thổ Nhĩ Kỳ, đã từ chối ký một hiệp ước quan trọng của Liên hợp quốc năm 1997 về các con sông xuyên quốc gia.

Bắc Kinh không đưa ra thông báo nào khi bắt đầu xây dựng 3 đập thủy điện trên sông Mekong - đập đầu tiên hoàn thành năm 1993 - hay con đập Zangmu có kinh phí xây dựng lên 1,2 tỷ USD - con đập đầu tiên trên con sông Brahmaputra dài 2.880km. Dự án này bắt đầu hồi tháng 11 năm ngoái và được báo chí nhà nước Trung Quốc ca ngợi là “dự án ưu tiên và có tính bước ngoặt”.

Trận lũ lụt năm 2000 từng tàn phá ngôi làng của ngư dân Sarkar được tin là do vỡ một bức tường của đập thủy điện trên một nhánh sông Brahmaputra nhưng Trung Quốc đã không một lời lên tiếng về vụ việc.

Trung Quốc biện luận rằng nguồn nước từ các sông chảy từ Tây Tạng bắt nguồn từ các nhánh sông ở hạ lưu, với chỉ 13-16% bắt nguồn tại Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc cũng cho hay các đập thủy điện có lợi cho các quốc gia láng giềng, ngăn chặn hạn hán và lũ lụt bằng cách điều chỉnh dòng chảy và rằng thủy điện giúp giảm khí khải CO2 của Trung Quốc.

Một số nước trong khu vực giờ đây cũng đang xây dựng các thập thủy điện gây tranh cãi. Ủy bang sông Mekong (MRC)- gồm 4 quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, đã bày tỏ những lo ngại không chỉ về các đập thủy điện của Trung Quốc mà còn về hàng loạt con đập khác đã được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch vùng các nước vùng hạ lưu.

Ở phía bắc Ấn Độ, một phong trào đang phản đối các kế hoạch của chính phủ trung ương nhằm xây dựng hơn 160 con đập trong khu vực. Lào và Campuchia cũng đã đưa ra kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên sông Mekong, gây ra sự phản đối mạnh mẽ.

Ấn Độ và các nước khác đã hạ thấp mối đe dọa từ các đập thủy điện. Nhưng các nhà hoạt động và thậm chí một số quan chức chính phủ vẫn chỉ trích mạnh mẽ.

“Mọi người biết Trung Quốc đang làm gì nhưng không nói ra. Trung Quốc giờ đây có quyền lực thực sự”, Somkiat Khuengchiangsa, một nhà hoạt động môi trường của Thái Lan, nói.

Dù bất kỳ điều gì có thể xảy ra, người dân sống bên bờ sông Mekong và Brahmaputra cho hay nỗi lo sợ cho tương lai đã hiện hữu lúc này.

Phumee Boontom, người đứng đầu ngôi làng Pak Ing tại Thái Lan, cảnh báo: “Nếu Trung Quốc kiểm soát nguồn nước và tiếp tục xây thêm các đập thủy điện, cuộc sống dọc sông Mekong sẽ thay đổi vĩnh viễn”. Phumee cho biết ông đã nhìn thấy những biến đổi mạnh mẽ trong mực nước sau khi các đập thủ điện được xây dựng. “Giống như thủy triều của biển vậy, lên và xuống trong cùng một ngày”, ông Phumee nói.

Jeremy Bird, Chủ tịch MRC, nhận thấy có một khuynh hướng đổ lỗi cho Trung Quốc về những vấn đề liên quan tới nguồn nước, thậm chí vấn đề đó đơn thuần là hậu quả của thiên nhiên. Ông Bird cho rằng ngoại giao là cần thiết và ông tin “sự hợp tác với Trung Quốc đang được cải thiện”.

An Bình
Theo AP