1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc: Khi chính sách ngoại giao nằm dưới tay các “quân sư”

Hai ngày sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị công bố các điểm ưu tiên trong chính sách ngoại giao cho năm 2014, trong đó có chi tiết “Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng khung quan hệ với các cường quốc nhằm làm nổi bật các phản hồi tích cực và phát triển lành mạnh”, ngày 18/12/2013, Trung Quốc xác nhận một sự việc “lành mạnh” xảy ra trước đó hai tuần: tàu chiến Trung Quốc đã lao thẳng vào tàu Mỹ USS Cowpens tại Biển Đông (ngày 5/12).

Hai ngày sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị công bố các điểm ưu tiên trong chính sách ngoại giao cho năm 2014, trong đó có chi tiết “Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng khung quan hệ với các cường quốc nhằm làm nổi bật các phản hồi tích cực và phát triển lành mạnh”, ngày 18/12/2013, Trung Quốc xác nhận một sự việc “lành mạnh” xảy ra trước đó hai tuần: tàu chiến Trung Quốc đã lao thẳng vào tàu Mỹ USS Cowpens tại Biển Đông (ngày 5/12). Các sự việc và hành động mâu thuẫn của Trung Quốc chẳng còn là chuyện lạ. Nó cho thấy chính sách ngoại giao Bắc Kinh cần phải xem xét lại.

Năng lượng Mới số 285

Ngôn ngữ ngang ngược

Ngày 29/10/2012, trong cuộc hội thảo hợp tác quân sự tại Crown Casino (Melbourne, Australia), Trung tướng Trung Quốc Nhâm Hải Tuyền lên đăng đàn diễn thuyết. Thay vì nói về hợp tác quân sự các nước, họ Nhâm nhắc rằng “người ta đừng bao giờ quên lịch sử và phải nên học từ lịch sử”, rằng “những ngọn lửa chiến tranh được nhóm lên từ các quốc gia phát xít đã thiêu cháy cả khu vực…”. Nhâm Hải Tuyền là một trong những gương mặt nhà binh thuộc phe chủ chiến đang áp đảo chính sách đối ngoại Trung Quốc. Chủ thuyết trỗi dậy bằng quân sự lại phù hợp với Tập Cận Bình, người có quá khứ gần gũi với giới quân sự.

Cần nhắc lại, một trong những công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học (hóa kỹ thuật) của Tập là làm thư ký riêng cho tướng Cảnh Tiêu - một chỉ huy quân sự thời Cách mạng văn hóa, từng ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tập cũng gần gũi với hai “quân sư” có sức ảnh hưởng: tướng Lưu Nguyên và tướng Lưu Á Châu. Trong nhóm này cần phải kể thêm: Đại tá không quân Đái Húc (Dai Xu); Thiếu tướng hưu La Viện, chuẩn đô đốc Trương Triệu Trung...

Những nhân vật này đang “đánh” Mỹ cũng như các nước khu vực bằng… võ mồm. Những luận điểm họ diễn đạt không phải là ngôn ngữ lịch sự chừng mực của ngoại giao. Đại tá không quân Đái Húc, nhà “quân sự học” tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Bắc Kinh chẳng hạn. Viết trên Global Times (28/8/2012), Đái đại tá nói rằng: “Việt Nam, Philippines và Nhật là những con chó của Mỹ tại châu Á. Chúng ta chỉ cần giết một con, tự khắc những con khác sẽ quỳ mọp”!

Khẩu khí” của Đái Húc chỉ là võ mồm

"Khẩu khí” của Đái Húc chỉ là võ mồm

Được báo chí Trung Quốc xem như một diễn giả có khả năng thu hút, họ Đái thường xuyên được mời lên truyền hình phỏng vấn. Năm 2009, Đái tung ra quyển “Vật tổ của biển - hàng không mẫu hạm Trung Quốc”, trong đó nhấn mạnh chiếc Liêu Ninh là biểu tượng của sự hồi sinh sức mạnh hải quân Trung Quốc. Trong quyển “Sự vây quanh hình chữ C” ấn hành năm 2010, Đái viết rằng Trung Quốc phải thoát khỏi sự bao vây và vùng ra khỏi chu vi của Mỹ để thiết lập một vành cung bao bọc Bắc Nhật Bản, xuyên Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, Ấn Độ và đến Afghanistan...

Cũng xuất hiện đều đặn trên truyền hình, tướng hưu La Viện là nhân vật có sức ảnh hưởng rất mạnh. Nhiều ý tưởng của La đều khá cổ quái. La từng đề nghị Trung Quốc cùng Đài Loan đưa hàng trăm ngàn tàu cá ra Điếu Ngư/Senkaku, để đánh “một trận chiến tranh nhân dân trên biển”. “Máy bay Trung Quốc có thể oanh tạc quần đảo này (Điếu Ngư) vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu” - La Viện nói trong cuộc hội thảo tại Hàng Châu ngày 29/9/2012 - “Trong khi đó Đài Loan tấn công vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy”. Tóm lại, chia ngày ra mà đánh!

Gương mặt cần được nhắc nữa là tướng Trương Triệu Trung. Dẫn chương trình bình luận quân sự trên CCTV 7, Trương là người luôn xem thường sức mạnh quân sự Mỹ. “Bọn Mỹ sẽ bỏ chạy như thỏ đế” nếu Trung Quốc khai chiến với Nhật quanh vụ Điếu Ngư - Trương, Giáo sư Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, từng học tại Cao đẳng Khoa học quân sự Hoàng gia Anh, nói trên truyền hình ngày 12/8/2012. Năm 2012, khi vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough nổ ra, Trương nói với nhóm người tham gia diễn đàn trực tuyến do tờ Nhân Dân nhật báo tổ chức, rằng Philippines chỉ có mỗi con tàu chiến 3.000 tấn thời thập niên 60 của thế kỷ trước trong khi Trung Quốc có thể đưa đến con tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn 18.000 tấn. Tương quan lực lượng thế là rõ! “Nếu xảy ra xung đột tại Biển Đông, khả năng nước ngoài can thiệp là rất thấp và bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào cũng không kéo dài” - Trương nhấn mạnh.

Cần nhắc lại, họ Trương là chuyên gia “nổ” và thường “nổ” không trúng đích. Một ngày trước khi Mỹ tấn công Iraq 2003, Trương nói rằng, Mỹ không bao giờ có thể đặt chân vào Baghdad bởi sẽ thất bại trước “cuộc chiến nhân dân thần thánh” của Saddam Hussein. Và vài giờ trước khi Muammar Gadhafi bị bắt, Trương nói rằng phe nổi dậy Lybia không bao giờ tìm được nơi ẩn nấp của Gadhafi. Một ngày trước khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng vệ tinh thất bại, họ Trương “bình” trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc rằng, “xác suất thành công trong vụ phóng của lãnh đạo Kim Jong-un là 80%”… Tháng 6/2012, Trương còn đi xa hơn khi nói, Trung Quốc hiện có hơn một triệu kẻ phản bội, trong đó có giới ngoại giao, chuyên gia kinh tế và cả sĩ quan quân đội, chấp nhận bán rẻ mình để làm gián điệp cho nước ngoài, đặc biệt Mỹ. Được khích lệ bởi tràng pháo tay trong buổi nói chuyện, Trương sau đó nói với giới báo chí: “Một số học giả của chúng ta đã được bọn Mỹ đào tạo. Họ đọc sách Mỹ, chấp nhận lý tưởng Mỹ và bây giờ họ giúp Mỹ lừa người Trung Quốc”!

Quy chụp và đổ thừa

Chiến thuật chiến tranh nhân dân tại Biển Đông!
Chiến thuật "chiến tranh nhân dân" tại Biển Đông!

Trong một số trường hợp, các gương mặt diều hâu được tập hợp lại để “đánh hội đồng”, dồn toàn bộ hỏa lực vào một mặt trận. Tháng 9/2012, ba ngày sau khi Tokyo tuyên bố mua quần đảo Senkaku, truyền thông Trung Quốc đã tung ra một chiến dịch tuyên truyền diện rộng với buổi bình luận quy tụ 10 tay sĩ quan - tướng lĩnh trong đó có Đái Húc, La Viện và Trương Triệu Trung. Cách diễn giải các vấn đề khu vực của họ vẫn là lối đổ thừa. “Trung Quốc đang đối mặt với một nhóm láng giềng khiêu khích mà cầm đầu là Việt Nam và Philippines. Trung Quốc cũng đang đối phó với một loạt thách thức mà cầm đầu là Mỹ…” - Từ Chí Nhung, Phó chỉ huy Cơ quan Hải giám Trung Quốc, viết trên chuyên san China Eye (Hongkong) số tháng 6/2012. Đồng thanh với luận điểm này là phát biểu của Thiếu tướng Chu Thành Hổ (Giáo sư Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc) tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới tổ chức ở Bắc Kinh năm 2012…

Chiến lược của “võ mồm”

Xu hướng quân sự hóa ngoại giao bắt đầu bùng nổ vào năm 2011 khi chuẩn đô đốc Dương Nghị kêu gọi từ bỏ học thuyết “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình. Thiếu tướng Hàn Húc Đông, giảng viên Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, viết trên Global Times (tháng 6/2012) rằng, cách phòng thủ tốt nhất là bành trướng, về kinh tế, địa chính trị lẫn quân sự. Điều đó đã thể hiện ở những sự vụ chẳng hạn việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và gần đây là vùng nhận biết phòng không (ADIZ).

Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nên “ngưng hát đồng ca” về vấn đề ADIZ, rằng “thể hiện như thế là đủ rồi” và “nếu họ thật sự quan tâm hòa bình khu vực thì nên ngưng xúi bẩy gây mất hòa khí”… Trên trận địa truyền thông Trung Quốc, khó có thể tin ai thật sự là “người ngay”.

Được hỏi về chính sách ngoại giao diều hâu của Bắc Kinh, chuyên gia phân tích quốc tế Thẩm Đinh Lập (một nhân vật rất có “danh phận”) thuộc Đại học Phục Đán nói rằng, “chủ nghĩa ái quốc là con dao hai lưỡi và chính phủ (Bắc Kinh) có thể bị đứt tay” (Reuters 17/1/2013). Tuy nhiên, trên Foreign Policy (9/10/2013), họ Thẩm lại viết: “Tất cả các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia nói chung đều ngầm hoặc công khai thừa nhận chủ quyền Bắc Kinh tại những quần đảo và đảo nhỏ nằm trong vạch chín đoạn ở Biển Đông…”!

Có thể tóm tắt sách lược võ mồm của Trung Quốc như sau. Hầu hết những phân tích quân sự của họ đều tương tự một số chiến thuật mà họ đưa ra. Chúng hoàn toàn phản khoa học quân sự và không phản ánh đúng tương quan cũng như thực lực quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể được cố tình tạo ra, với mục đích khiêu khích, chọc giận hoặc thậm chí làm nhục để đối phương mất bình tĩnh. Nó là một dạng thức tâm lý chiến cổ điển mà sư phụ Tôn Tử từng truyền dạy và từng được sử dụng từ thời Tam Quốc! Nó được sử dụng song song với các biện pháp xâm lược từng bước theo kiểu “tằm ăn dâu”…

Riêng với giới bỉnh bút diều hâu, cây bút David Lague (Reuters 17/1/2013) đã có một nhận xét đơn giản về họ: Với những ông tướng hưu, việc viết lách giúp họ kiếm thêm thu nhập; và với các tướng tại nhiệm, việc trình bày quan điểm theo xu hướng mị dân giúp họ dễ leo lên cao trong sự nghiệp! Bất luận thế nào, hiện tượng gõ trống trận tập thể từ Bắc Kinh đang đẩy khu vực đến nguy cơ chiến tranh hơn bao giờ hết. Bàn tay sắt đã không còn được thấy là cần thiết bọc trong bao găng nhung nữa!

Theo Mạnh Kim

Petrotimes