Trung Quốc kết án tử hình chuyên gia máy tính tiết lộ 150.000 tài liệu mật
(Dân trí) - Một người đàn ông Trung Quốc đã bị kết án tử hình vì tiết lộ hơn 150.000 tài liệu mật cho một thế lực nước ngoài chưa rõ danh tính, truyền hình quốc gia Trung Quốc hôm nay đưa tin, tiết lộ các chi tiết bất thường về một vụ việc mà ít khi được công bố công khai.
Thời báo Hoa nam Buổi sáng đưa tin, người đàn ông tên Huang Yu, ở tỉnh Tứ Xuyên, từng làm việc với tư cách là một chuyên gia máy tính cho một cơ quan chính phủ chuyên quản lý các bí mật quốc gia, nhưng là một nhân viên tồi và đã bị sa thải, truyền hình Trung Quốc đưa tin.
Giận dữ vì bị sa thải, ông ta đã liên lạc với “một tổ chức tình báo nước ngoài” trên internet và đề nghị bán các tài liệu mà ông ta có được trong khi làm việc cho cơ quan cũ. Huang sau đó đã chuyển giao 150.000 tài liệu, bao gồm nhiều bí mật về đảng Cộng sản, quân đội và các vấn đề tài chính, cho đại diện tổ chức tình báo nước ngoài trong các lần gặp gỡ tại Hong Kong và Đông Nam Á.
Nhưng do Huang không còn làm việc nên ông ta bắt đầu hết tài liệu để cung cấp và ông này đã quay sang vợ và anh vợ, những người cũng làm việc cho các cơ quan chính chính phủ chuyên quản lý các tài liệu mật, để khai thác thông tin.
Cuối cùng, việc tài sản cá nhân của Huang tăng vọt bất ngờ không giải thích được và chuyện đi lại thường xuyên đã khiến ông này lọt vào tầm ngắm của giới chức. Huang bị bắt vào năm 2011 và sau đó bị kết án tử hình.
Truyền hình quốc gia Trung Quốc không cho biết khi nào và liệu bản án trên có được thi hành hay không và nơi ông này bị kết án.
Vợ ông Huang đã bị kết án 5 năm tù, trong khi anh vợ lĩnh án 3 năm tù vì tiết lộ bí mật nhà nước. 29 đồng nghiệp cũ của Huang cũng bị xử phạt.
Theo Reuters, luật bí mật nhà nước của Trung Quốc nổi tiếng là nghiêm ngặt, bao gồm mọi vấn đề, từ số liệu công nghiệp tới ngày sinh của các lãnh đạo nhà nước. Các thông tin này có thể bị liệt vào danh mục bí mật quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giám sát một chiến dịch sâu rộng nhằm thắt chặt bộ máy an ninh nhằm chống lại các mối đe dọa ở trong và ngoài nước.
Nhưng các luật an ninh mới mà ông Tập thông qua, hoặc muốn thông qua, đã khiến các chính phủ phương Tây lo ngại, trong đó có luật chống khủng bố và dự thảo luận an ninh mạng, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh trở lại việc truy quét các phần tử bất đồng chính kiến.
Luật an ninh mạng và chống khủng bố trao quyền cho chính phủ chống lại điều mà họ xem là các mối đe dọa, từ kiểm duyệt tới tăng cường kiểm soát một số công nghệ.
Còn những ngưởi chỉ trích luật chống khủng bố nói rằng nó có thể bị hiểu theo cách thậm chí những người bất đồng chính kiến phi bạo lực cũng nằm trong khái niệm về chống khủng bố.
An Bình