1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc giận dữ vì bị chỉ trích chậm chạp trong vụ tìm kiếm MH370

(Dân trí) - Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ sau khi truyền thông chính thống của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh chậm chạp trong cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Tàu tuần tra Haixun 01 của Trung Quốc.

Tàu tuần tra Haixun 01 của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu tại Bắc Kinh hôm qua đã lên tiếng bảo vệ lập trường của nước này sau khi phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 15/4 gọi một bài viết trên tờ New York Times là một hành động khiêu khích vô nghĩa và vô trách nhiệm.

Bài báo viết: "Cuộc tìm kiếm rõ ràng là một cơ hội tốt để chính phủ Trung Quốc chứng tỏ sự cương quyết và các khả năng công nghệ với khán giả trong nước và để cải thiện hình ảnh sau sự ứng phó với siêu bão Haiyan tại Philippines hồi năm ngoái mà Bắc Kinh bị chỉ trích là chậm chạp và thờ ơ".

Một bài viết khác trên tờ Wall Street Journal ngày 16/4 cũng nhấn mạnh tới "sự miễn cưỡng" của Trung Quốc nhằm hợp tác với các quốc gia khác, viện dẫn các chậm trễ trong chiệc chia sẻ thông tin về việc phát hiện các tín hiệu tiếng ping khả nghi, cũng như sự thiếu vắng của Bắc Kinh tại các diễn đàn hợp tác tìm kiếm và cứu hộ khu vực trước khi MH370 mất tích.

Hôm 5/4, tàu tuần tra Haixun 01 của Trung Quốc đã thông báo dò thấy các tín hiệu xung điện, trong khi tờ Jiefang Daily tại Thượng Hải đăng tải các bức ảnh chụp nhóm tìm kiếm của Trung Quốc sử dụng thiết bị tương đối sơ đẳng vốn chỉ phù hợp cho việc tìm kiếm ở vùng nước nông. Nhưng sau đó các tín hiệu này được xác định là không liên quan tới MH370. Theo tờ New York Times, cảnh báo đã sai đã dẫn tới việc làm sao nhãng và trì hoãn nỗ lực tìm kiếm.

Do các tài sản quân sự có thể bị nguy hiểm nên một vài trong số 26 quốc gia tham gia cuộc tìm kiếm MH370 đã miễn cưỡng chia sẻ dữ liệu thu được.

Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho rằng việc các quốc gia giữ lại các dữ liệu nhạy cảm cho tới khi dữ liệu được phân tích và công bố công khai là bình thường.

"Thật đáng tiếc khi các quốc gia không thể phối hợp cùng nhau. Thậm chí cơ chế đưa tin cũng lộn xộn. Tất cả những điều này đã làm trì hoãn cuộc tìm kiếm", tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Li.

Còn chuyên gia quân sự Ni Lexiong tại Thượng Hải nói rằng không quốc gia nào làm chậm cuộc điều tra.

"Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng công nghệ của nước này tụt hậu ít nhất 30 năm so với Mỹ, đặc biệt là công nghệ quân sự.

Vụ việc này cho thấy có một khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và phương Tây. Bắc Kinh biết điểm yếu của mình trước khi tham gia cuộc tìm kiếm nhưng vẫn hăng hái vì hơn nửa trong số các hành khách trên MH370 là người Trung Quốc", ông Ni nói.

An Bình