1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc gặp khó tại Nam Á

Ấn Độ lo ngại các cơ chế tài chính trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể khiến các quốc gia nhỏ, nghèo rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc

Các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Nam Á liên tục gặp trục trặc gần đây, cho thấy thách thức không nhỏ đối với Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

Nepal, Pakistan nói không

Chính phủ Pakistan vừa quyết định hủy thỏa thuận xây đập trị giá 14 tỉ USD với Trung Quốc vì không thể chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt. Báo Express Tribune vào tuần rồi dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Phát triển điện và nước Pakistan Muzammil Hussain cho rằng dự án đập Diamer-Bhasha bị loại khỏi khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) - một phần quan trọng của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh - vì những điều kiện Trung Quốc đưa ra là không khả thi và đi ngược lại lợi ích của Pakistan. Những điều kiện này gồm Trung Quốc sở hữu, vận hành và bảo trì dự án và hứa xây một con đập khác ở Pakistan.

Thay vì hợp tác với Trung Quốc, Pakistan quyết định bỏ tiền túi để thực hiện dự án - dự kiến sản xuất 4.500 MW sau khi hoàn tất. Thông tin trên xuất hiện chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc và Pakistan dự kiến tiến hành họp về CPEC trong ngày 21-11. Hai bên đã ưu tiên phát triển khoảng 15 dự án nhiệt điện với tổng trị giá 2,2 tỉ USD.

BRI cũng đang gặp khó tại Nepal sau khi nước này hủy thỏa thuận xây nhà máy thủy điện Budhi Gandaki trị giá 2,5 tỉ USD do Tập đoàn Gezhouba (Trung Quốc) đảm nhận. Dường như quyết định này của Nepal chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, quốc gia lâu nay bày tỏ lo ngại các cơ chế tài chính trong khuôn khổ BRI có thể khiến các quốc gia nhỏ, nghèo rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, từ đó chịu tác động về chính sách đối ngoại từ Bắc Kinh. Đã xuất hiện thông tin dự án ở Nepal sẽ được chuyển giao cho Công ty Thủy điện NHPC (Ấn Độ) thực hiện nhưng điều này chưa được xác nhận.


Pakistan đã hủy thỏa thuận xây đập Diamer-Bhasha với Trung Quốc Ảnh: South China Morning Post

Pakistan đã hủy thỏa thuận xây đập Diamer-Bhasha với Trung Quốc Ảnh: South China Morning Post

Dự án nhạy cảm

Ông Rupak Sapkota, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Chiến lược Nepal, nhận định việc xé bỏ dự án 2,5 tỉ USD xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nhóm chính trị Nepal có liên hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. "Nepal vẫn đang cố gắng tìm ra vị trí cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc" - ông Sapkota nhận định.

Trái lại, ông Madhav Das Nalapat, một chuyên gia về địa chính trị tại Trường ĐH Manipal (Ấn Độ), cho rằng diễn biến này không phản ánh tình hình chính trị trong nước mà là do những đòi hỏi của kinh tế Nepal. Trong khi đó, ông Zhao Gancheng, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), nhắc nhở rằng nếu Nepal cho thấy sự ưu tiên của họ thiên về Ấn Độ bất cứ khi nào có áp lực thì Trung Quốc nên ý thức hơn về lợi ích của mình và cân nhắc cẩn thận trước khi tài trợ cho các dự án tại nước này trong tương lai.

Mặc dù các nước Nam Á như Pakistan và Nepal rất cần và hoan nghênh sự đầu tư của Trung Quốc để cải thiện cơ sở hạ tầng nhưng các chuyên gia nhận định những trở ngại mới nhất nói trên là lời nhắc nhở Bắc Kinh phải cẩn trọng hơn khi đẩy mạnh đầu tư vào những dự án nhạy cảm như thủy điện ở những quốc gia khác.

Ông Sun Shihai, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc và Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá các dự án thủy điện đặc biệt phức tạp và nhạy cảm. Những yếu tố như tác động đến môi trường, tái định cư, xung đột lợi ích giữa các khu vực thượng nguồn và nguồn, đặc biệt đối với những dòng sông chảy qua nhiều nước, đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới dự án.

Ông Sun nêu ví dụ dự án đập thủy điện Myitsone mà một công ty Trung Quốc dự định xây dựng ở Myanmar. Dự án này cũng bị đình chỉ vì những lo ngại về môi trường. Riêng với dự án đập Diamer- Bhasha, nằm trên sông Indus ở khu vực Gilgit-Baltistan và giáp biên giới vùng tranh chấp Kashmir đang được Pakistan kiểm soát, sự phản đối của New Delhi cũng cản trở Islamabad huy động vốn từ các tổ chức quốc tế.

Theo ông Sun, Ấn Độ phản đối mạnh mẽ CPEC bởi nó bao gồm các dự án trong khu vực tranh chấp. Ông Zhao Gancheng cho rằng sẽ không có gì bất ngờ khi các dự án ở nước ngoài của Trung Quốc gặp những rắc rối tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh điều đó sẽ không làm ảnh hưởng đáng kể đến BRI.

Theo Xuân Mai

Người lao động