1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc “động binh” (?!)

Tờ The Diplomat vừa dẫn cảnh báo của giới chuyên gia quốc tế trước việc Trung Quốc (TQ) đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt “đảo nổi” trên Biển Đông.

Bởi đây là các trạm chiến đấu di động trên mặt biển, được thiết kế để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Các “đảo nổi” này nặng khoảng 1 triệu tấn, có thể trở thành sân bay tiếp nhận máy bay chiến đấu. Và dù sự linh hoạt của chúng thua xa tàu sân bay, nhưng lại có thể trở thành nhà kho quân sự, hoặc vận hành như căn cứ hải quân tiếp nhận tàu đổ bộ. Theo nhà phân tích Jack Detsch, các “đảo nổi” sẽ là vũ khí bổ sung hữu hiệu vào hệ thống chống ngăn chặn, chống tiếp cận (A2/AD) của TQ. Và quân đội TQ sẽ dễ dàng triển khai máy bay quân sự tại Biển Đông hơn.

Trung Quốc “động binh” (?!) - 1

Tên lửa của Trung Quốc trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bắc Kinh

Quan ngại của giới chuyên môn

Ngày 11/8, khi bình luận trên trang cá nhân của tờ The National Interest, học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, không thể tiếp tục chờ đợi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thêm nữa, bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị: Bắc Kinh đã dừng lại. Bạn chỉ cần bay ra đó là có thể nhìn thấy! Bởi thực tế cho thấy, TQ vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đảo hóa, trong khi lại lớn tiếng nói rằng, luôn sẵn sàng làm việc với các bên hữu quan bằng cách thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước để đối phó với trường hợp khẩn cấp trên Biển Đông. Điều đáng nói là đường dây nóng không chi phối được lực lượng cảnh sát biển, hải quân và dân quân biển bởi họ không thuộc sự quản lý của Bộ Ngoại giao. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố “tăng tốc độ tham vấn COC", nhưng họ không làm gì để thực hiện điều này.

Bà Bonnie Glaser khuyến cáo, nếu chưa áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, TQ sẽ không ký COC, do đó ASEAN nên chủ động trong vấn đề này. Theo bà Bonnie Glaser, chuỗi tiền đồn mà Bắc Kinh đang cải tạo trái phép chắc chắn sẽ được lắp đặt hệ thống radar và thiết bị do thám điện tử nhằm tăng cường năng lực tình báo của Trung Quốc, cũng như khả năng theo dõi, trinh sát trên biển. Và khi xung đột quân sự nổ ra, các đảo nhân tạo cùng lực lượng tàu chiến và máy bay đồn trú trên đó rất dễ bị tấn công, nhưng trong thời bình và khủng hoảng hiện nay, Trung Quốc có thể lợi dụng những tiền đồn này để đẩy Mỹ ra xa Biển Đông - trực thăng, tàu đổ bộ cùng các loại pháo có thể được sử dụng để tấn công chớp nhoáng.

Trung Quốc “động binh” (?!) - 2

Học giả Bonnie Glaser

Trang web chính thức của Viện Chính sách Lowy vừa dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xúc tiến là "những tiền đồn tiềm năng" của quân đội Trung Quốc. Và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang biến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông để phục vụ cho mục đích quân sự. Khi đó, Trung Quốc có thể tăng cường khả năng kiểm soát trên một khu vực rộng lớn.

Đô đốc Harry Harris cho rằng, đường băng dài 3.000m trên bãi đá Chữ Thập cho phép hầu như tất cả các loại chiến đấu cơ cất và hạ cánh, thậm chí đủ sức đón cả máy bay ném bom B-52, gần đủ lớn để trở thành bãi phóng tàu con thoi và thừa sức để một chiếc Boeing 747 cất cánh. Ngoài ra, TQ còn dựng lên nhiều nhà chứa với mục tiêu biến nơi đây trở thành một kho dự trữ máy bay chiến thuật, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.

Theo nhận định của ông Harry Harris, TQ hiện chưa điều tên lửa hành trình chống hạm hay thiết bị hỗ trợ đến các đảo nhân tạo kể trên, nhưng trong tương lai gần họ sẽ triển khai. Ngoài ra, bến cảng trên bãi đá Chữ Thập khá phù hợp để trở thành nơi neo đậu cho tàu ngầm của Bắc Kinh nếu so với cảng nước nông mà quân đội TQ đang sử dụng ở đảo Hải Nam. Nhà nghiên cứu Mira Rapp Hooper của CSIS cũng cho rằng, lý do TQ xây đường băng dài như trên là để có thể triển khai mọi loại máy bay quân sự ở đó.

Trung Quốc “động binh” (?!) - 3

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ

Nhiều chiêu lách luật

Theo đánh giá của Giáo sư James Kraska, nhà nghiên cứu của Trung tâm Luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, lực lượng dân quân TQ đã xóa nhòa ranh giới trong định nghĩa giữa tàu chiến và tàu dân sự theo luật hải chiến. Với việc sử dụng tàu cá làm lực lượng dân quân, Bắc Kinh muốn lợi dụng sự khó khăn trong việc phân biệt tàu dân sự và quân sự để hỗ trợ cho hoạt động hải quân, và có cớ để công kích đối phương nếu những tàu này bị tấn công. Đội tàu dân quân này tạo thành một lực lượng hải quân không chính thức và tăng cường sức mạnh cho Hải quân TQ mà không quá tốn kém, nhưng lại đặt ra thách thức lớn về quân số, cách đối phó, và cả khía cạnh chính trị, pháp lý cho mọi đối thủ, buộc họ phải thận trọng trong mọi hành động nếu có khủng hoảng hoặc chiến tranh trên biển.

Theo thống kê, Bắc Kinh có hơn 200.000 tàu và TQ có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất lớn, 14 triệu người, tương đương 25% tổng số ngư dân trên thế giới. Đội tàu cá này đã và đang phối hợp cùng với Hải quân TQ để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 9/8, tờ South China Morning Post và tờ The Philippines Star đều cho rằng, tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN không nêu đích danh TQ là quốc gia đã tiến hành hoạt động cải tạo đất gây căng thẳng ở Biển Đông. Việc này giống như lên án tội ác nhưng không nêu tên thủ phạm. Đồng thời ghi nhận một số Ngoại trưởng đã bày tỏ mối quan tâm đến hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông của TQ, như vậy những Ngoại trưởng còn lại không quan tâm.

Ngoại trưởng Vương Nghị từng bác bỏ đề nghị đóng băng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông. "Có gì để đóng băng? Mỗi quốc gia có cách nhìn khác nhau. Tiêu chuẩn nào để đóng băng? Ai sẽ phán xét các quá trình hoạt động đóng băng? Đây là những câu hỏi rất phức tạp, phi thực tế và không có tác dụng thực tiễn", ông Vương Nghị tuyên bố.

Mặc dù quan ngại, nhưng cho đến nay phản ứng của các bên trong khu vực vẫn chưa đủ mạnh để buộc TQ phải thay đổi và trong dài hạn, các nước Đông Nam Á có thể phải thích nghi với lợi ích của TQ ở Biển Đông. Học giả Alexander Larin đến từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, Moskva không muốn bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước hữu quan ở Biển Đông.

Sức mạnh cơ bắp

Theo Tân Hoa xã, ngày 11/8, quân đội Trung Quốc bắt đầu diễn tập quân sự chung mang mật danh “Hành động Hỗn hợp-2015B” tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, với sự tham gia của các quân nhân đến từ hải - lục - không quân và pháo binh. “Hành động Hỗn hợp-2015B” là một trong năm cuộc diễn tập với sự tham gia của hơn 140.000 binh sĩ đến từ hơn 140 trung đoàn thuộc nhiều binh chủng. Trước đó (10/8), Bộ Tư lệnh Quân khu Thành Đô đã tổ chức tập trận mang mật danh "Hành động Hỗn hợp-2015D”. Và trong năm nay, TQ có kế hoạch hoàn tất hơn 100 cuộc tập trận hỗn hợp liên quan đến hơn 50 quân đoàn. Trong năm 2015, Trung Quốc cũng có kế hoạch tiến hành hơn 20 cuộc tập trận chung với các nước như Nga, Pakistan, Colombia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11/8, tờ South China Morning Post đưa tin, TQ có kế hoạch tiến hành 100 cuộc tập trận quân sự trong năm nay. Quân đội 2,3 triệu người đã gia tăng tần suất và mức độ sát thực tế chiến tranh cho các cuộc tập trận. Các tình huống căng thẳng mới đã được nêu ra trong các cuộc diễn tập quân sự nhằm hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác nhau. Trước đó (10/8), trang web của Cơ quan Đảm bảo hàng hải Trung Quốc (msa.gov.cn) cho biết, từ 11 đến 14/8, quân đội TQ tổ chức 3 cuộc diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện quân sự tại các khu vực biển khác nhau trên Biển Đông, nhưng không nêu rõ nội dung diễn tập.

Giới chuyên môn cho rằng, với những hình ảnh lần đầu được công bố trên một trang website chính trị có trụ sở tại Thượng Hải hôm 7/8 chứng tỏ, Bắc Kinh đã có khả năng tự phát triển một phiên bản radar cảnh báo sớm tầm xa như Mỹ và Nga tại một trạm giám sát không gian bí mật ở tỉnh Hắc Long Giang.

Sáng 12/8, đồng NDT lại giảm thêm 1,6%, xuống còn 6,3306 nhân dân tệ đổi 1USD, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1994. Và các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đã đồng loạt lao dốc do tác động của việc TQ phá giá đồng NDT. Mỹ khẳng định sẽ giám sát cũng như hối thúc Trung Quốc có những cải cách cơ chế tỷ giá nhằm cho phép thị trường có vai trò lớn hơn, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường, bởi mọi động thái đảo ngược các biện pháp cải cách sẽ là một diễn biến tiêu cực.

Ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân TQ gây sốc lớn khi phá giá đồng NDT gần 2% so với đồng USD để kích thích nền kinh tế. Ngay lập tức, thị trường tài chính toàn cầu bị chấn động và giới chuyên môn cảnh báo về nguy cơ chiến tranh tiền tệ. Và nhiều khả năng tỷ giá đồng NDT sẽ là một trong những đề tài nóng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 9 tại Washington. Ngày 10/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng cho biết, Trung - Mỹ sẽ trao đổi đoàn trong thời gian tới nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 của Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Theo Hồng Thất Công

PetroTimes

Trung Quốc “động binh” (?!) - 4