Trung Quốc đang dùng “cách trị” Philippines để “thử” Nhật?
(Dân trí) - 28 giờ, đó là thời gian kỷ lục Trung Quốc phái tàu tới quần đảo tranh chấp với Nhật trên Hoa Đông, khiến Tokyo một lần nữa đệ phản đối chính thức trước chiếc lược lấy sức mạnh hải quân để áp đặt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 8/8 cho biết, các tàu từ đội tuần duyên mới thành lập của Trung Quốc vẫn hiện diện trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát trên Hoa Đông và thời gian lưu lại đó được cho là dài nhất kể từ khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo vào năm ngoái. Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu đại diện ngoại giao Trung Quốc lên để “phản đối mạnh mẽ” vụ việc.
Cách thức triển khai của Trung Quốc lần này giống với cách thức mà họ đã áp dụng để áp đặt tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough trong cuộc tranh chấp với Philippines ở Biển Đông. Động thái được thực hiện khi Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu quân sự và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực hiện thực hóa tham vọng đưa Trung Quốc thành một cường quốc biển trong khu vực.
“Cách thức rất giống”, Chiaki Akimoto, giám đốc chi nhánh Tokyo của Viện nghiên an ninh và quân sự Liên hợp hoàng gia nhận định khi so sánh hành động của Trung Quốc đối với Nhật và Philippines. “Ý tưởng đó được thực hiện từng bước, từng bước một. Bởi cùng lúc họ cũng muốn xem Nhật phản ứng ra sao.”
Hồi tháng 6, Philippines đã phản đối cái mà họ gọi là “sự hiện diện dày đặc của các tàu quân sự và bán quân sự Trung Quốc” quanh vùng biển họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 1, Philippines đã yêu cầu Liên hợp quốc ra phán quyết về tranh chấp giữa họ với Trung Quốc, khi Bắc Kinh chiếm được quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough một năm sau vụ đụng độ giữa tàu hai nước.
28 giờ và toan tính của Trung Quốc
Theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật, 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đã “lượn lờ” khoảng 28 tiếng ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước trên Hoa Đông. Có lúc các tàu này tiến vào vùng biển cách đảo Minami Kojima chỉ 5km.
“Rõ ràng là quần đảo Senkaku nằm trong lãnh thổ Nhật, xét về lịch sử và luật pháp”, ông Suga cho hay. “Lần xâm nhập này vào vùng lãnh hải của chúng tôi là dài nhất kể từ khi chính phủ của chúng tôi quốc hữu hóa quần đảo vào ngày 1/9. Thật đáng tiếc và chúng tôi không thể chấp nhận được.”
Trong khi đó, sứ quán Trung Quốc tại Nhật đã ra tuyên bố trên trang web của mình vào ngày 8/8 rằng các tàu Trung Quốc đã đẩy lùi “những kẻ cánh hữu” Nhật ra khỏi khu vực quanh Senkaku/Điếu Ngư. Quyền đại sư Trung Quốc tại Nhật cũng đệ phản đối ngoại giao về vụ việc và yêu cầu tàu Nhật ngay lập tức rời lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn các vụ việc tương tự trong tương lai.
Leo thang căng thẳng diễn ra vài ngày trước lễ kỷ niệm 15/8, ngày Nhật thất trận trong Thế chiến II. Đây là sự kiện nhạy cảm đối với các nước châu Á từng bị phát xít Nhật xâm lược và đô hộ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Kể từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc thường xuyên phái tàu đến vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư. Tháng 12, một máy bay do thám hải quân Trung Quốc lần đầu tiên bị phát hiện trên không phận của quần đảo. Tháng trước, Nhật xác nhận các tàu Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua một eo biển ngay phía bắc lãnh thổ nước này.
Theo Taylor Fravel, giáo sư về khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, những động thái mới nhất của Tủng Quốc là nhằm buộc Nhật công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Senkaku/Điếu Ngư, điều mà Tokyo cho đến nay vẫn cương quyết từ chối.
“Giống như Scarborough, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một tình trạng đã rồi mới”, Fravel đánh giá. “Tuy nhiên, không giống như Scarborough, Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ họ phủ nhận Nhật kiểm soát độc quyền quần đảo”, chứ chưa đến mức phải giành quyền kiểm soát hiệu quả như với Scarborough.
Chính Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng này cũng cho biết Trung Quốc phải nâng cấp khả năng bảo vệ chủ quyền biển của mình, trong khi giải quyết các bất đồng một cách hòa bình. “Không bao giờ đất nước từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, ông tuyên bố.
Động thái “diễu tàu” quanh Senkaku/Điếu Ngư 28 tiếng của Trung Quốc diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Nhật ra mắt tàu quân sự lớn nhất nước này từng phát triển từ Thế chiến II. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngay sau đó ra tuyên bố cho rằng các nước láng giềng châu Á phải cảnh giác trước hoạt động củng cố quân sự của Nhật. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng đội quân của mình. Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 10,7% trong năm nay và mới năm ngoái, họ đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên, tàu Liêu Ninh, được tân trang từ một vỏ tàu cũ thời Liên Xô mà nước này mua lại của Ukraine.
Vũ Quý