1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc cũng đang “xoay trục” ngoại giao?

Phải chăng Trung Quốc, dưới thời tân chủ tịch Tập Cận Bình, đang tiến hành một cuộc “xoay trục” ngoại giao của riêng mình, song song với sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ về châu Á?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sáng kiến quốc tế quan trọng đầu tiên của Tập Cận Bình - chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên đến tiên đến Nga, và ngay sau đó tham dự hội nghị thượng đỉnh BRIC ở Nam Phi - cho thấy Trung Quốc đang tìm cách gây dựng mối quan hệ với các cường quốc mới nổi hùng mạnh nhất thế giới để đối phó với chiến lược ngoại giao của Mỹ. Và trên thực tế, khả năng này đã được củng cố bởi tuyên bố mới đây của ông về quan hệ với Ấn Độ khi ông gọi đó là "một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất" đối với Trung Quốc.

Sự quan tâm ngay từ ban đầu đôi với quan hệ Trung-Ấn của Tập Cận Bình là một điểm mới lạ so với các nhà lãnh đạo trước đó. Ông đề ra cương lĩnh 5 điểm, giống như "5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình" của Jawaharlal Nehru được triển khai theo Hiệp định Panchsheel 1954.

Theo cương lĩnh của Tập Cận Bình, cho đến khi hoàn tất giải quyết các vấn đề lãnh thổ, hai nước nên hợp tác để giữ vững hòa bình và ổn định, ngăn chặn tranh chấp biên giới ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ toàn cục. Trung Quốc và Ấn Độ nên duy trì thông tin liên lạc chiến lược chặt chẽ nhằm duy trì quan hệ song phương "đi đúng hướng".

Ngoài ra, hai nước nên khai thác thế mạnh tương đối của nhau và mở rộng hợp tác cùng có lợi về cơ sở hạ tầng, đầu tư và các lĩnh vực khác; thúc đẩy quan hệ văn hóa để tăng cường tình hữu nghị; và mở rộng hợp tác trong các diễn đàn đa phương nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia đang phát triển trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Cuối cùng, hai bên nên giúp đỡ giải quyết những mối quan tâm cốt lõi của nhau.

Mặc dù Tập Cận Bình đang phải đau đầu đối phó với những thách thức trong nước từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 11 năm ngoái, và hiện đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch nước từ tháng 3, quan hệ với Ấn Độ có thể có tác động trực tiếp đến các điều kiện bên trong. Đơn cử, muốn ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy ở tỉnh Vân Nam ở phía cảnh sát và lực lượng an ninh Trung Quốc phải đặc biệt để tâm đến những diễn biến ở Myanmar, một đất nước cũng là mối quan tâm đặc biệt đối với Ấn Độ.

Tiếp đến là Tây Tạng, có lẽ là quan ngại an ninh trong nước lớn nhất của Trung Quốc, và cũng là nguồn gốc gây căng thẳng từ nhiều năm qua với Ấn Độ, do những tranh chấp lãnh thổ. Sự phẫn nộ gần đây của Trung Quốc đối việc Dalai Lama đến thăm tu viện Tawang ở Arunachal Pradesh, phần lãnh thổ bên phía Ấn Độ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cho thấy vấn đề này vẫn đang có sức ảnh hưởng đến thế nào đến quan hệ hai nước.

Hu Shisheng, nhà phân tích chiến lượng Nam Á hàng đầu tại Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, nói rằng những chuyến thăm như vậy không có nghĩa "quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đang trong tình trạng rối ren", mặc dù nguy cơ bất ổn còn cao.

Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc dường như nhìn theo hướng tích cực nhiều hơn. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tờ Nhân dân Nhật báo, mới đây xác định "hai lĩnh vực quan tâm đối với Ấn Độ" có ý nghĩa quan trọng nhất. Với vấn đề biên giới được kiểm soát hiệu quả, sẽ có nhiều sự chú trọng hơn đối với "các vấn đề thương mại và đa phương" nơi thành công có thể mở ra một "chương mới" đầy hân hoan trong quan hệ hai nước.

Vậy có nghĩa nghi kỵ giữa hai nước đã biến mất? Nhân dân Nhật báo dường như coi mối quan hệ hiện nay là bình thường. Ấn Độ có vẻ cũng tin tưởng như vậy. Thực vậy, một quan chức cấp cao Ấn Độ, khi nói về căng thẳng tại Biển Đông, mới đây được dẫn lời nói rằng "Bạn không thể coi cuộc đối đầu trên biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi".

"Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khu vực địa chính trị", quan chức này nói, "nhưng hãy nhìn vào tình thế hiện nay ở Ấn Độ Dương. Tình hình ở gần Trung Quốc hơn, dù là biển Hoa Đông, gần Nhật Bản, hay ở Tây Thái Bình Dương, là hoàn toàn khác biệt. Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ - mỗi nước đều cần các liên kết biển: năng lượng của mỗi nước đi qua đó".

Tuy vậy, một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Ấn Độ lại nhấn mạnh "số lượng ngày càng tăng các tàu ngầm Trung Quốc mạo hiểm vào khu vực Ấn Độ Dương, gây ra đe dọa đến lợi ích an ninh của Ấn Độ". Báo cáo chỉ ra, " có ít nhất 22 lần phát hiện tàu nghi là tàu tấn công của Trung Quốc đi tuần tra bên ngoài vùng lãnh hải của Trung Quốc vào năm ngoái" và cảnh báo "sự tập trung ngầm" của hải quân Trung Quốc có thể nhằm "kiểm soát các tuyến thông thương liên lạc nhạy cảm cao".

Nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm củng cố quan hệ với cường quốc láng giềng khác, Nga, nên được nhìn nhận là sự bổ sung cho việc tiếp cận với Ấn Độ của ông. Tại đây, ông đã được sự ủng hộ bởi thái độ cứng rắn rõ rệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Mỹ và phương Tây. Trung Quốc chia sẻ mối hoài nghi của Nga. Trên thực tế, Tập Cận Bình thậm chí còn tuyên bố, về địa chính trị, Nga và Trung Quốc "có chung một tiếng nói".

Đương nhiên cũng có những lý do hoàn toàn hợp lý cho mối quan hệ Trung-Nga gần gũi hơn. Họ là thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trung Quốc là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất. Quan hệ thương mại cũng đang bùng nổ, đạt giá trị 88 tỷ USD vào năm ngoái.

Cuộc xoay trục khu vực của Tập Cận Bình nên được nhìn nhận trong tầm nhìn tổng thể về "chấn hưng Trung Hoa", đòi hỏi Trung Quốc phải lấy lại vài trò lãnh đạo cao nhất ở châu Á mà nước này từng làm được trong phần lớn lịch sử của mình. Tham vọng của ông rất lớn, nhưng hãy chờ xem ông có thể làm được gì, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
 
Theo Trâm Anh
Tuanvietnam