Trung Quốc công bố Sách Trắng về Tân Cương
(Dân trí) - Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về quá trình phát triển và những tiến bộ đạt được ở Tân Cương, nhấn mạnh đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo và thống nhất xã hội là nhân tố quyết định với phát triển và tiến bộ xã hội của khu vực này.
Một góc thủ phủ Địch Hóa của Tân Cương ngày nay
Sách trắng, do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc công bố hôm qua, đã điểm lại những thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng diễn ra trong 60 năm qua ở Tân Cương – khu vực chiếm khoảng 1/6 lãnh thổ Trung Quốc.
Sách trắng cũng lên án lực lượng “Đông Turkistan” đã phá hoại nghiêm trọng quá trình phát triển và những tiến bộ mà Tân Cương đạt được qua việc kích động chủ nghĩa ly khai và âm mưu cũng như tổ chức một loạt vụ bạo lực và khủng bố đẫm máu.
Tài liệu dài 52 trang được chia làm 7 phần: Phát triển kinh tế ngoạn mục; Cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân; Phát triển vững chắc các chương trình xã hội; Bảo tồn văn hóa dân tộc; Giữ gìn bình đẳng và thống nhất dân tộc; Bảo vệ các quyền tự do tín ngưỡng của người dân; Bảo đảm Đoàn kết dân tộc và Ổn định xã hội.
Sách trắng viết: Sự phát triển và tiến bộ lớn đạt được là do nỗ lực có phối hợp của mọi người dân Tân Cương dưới ngọn cờ đoàn kết của mọi dân tộc, cũng như nhờ vào sự thành công của các chính sách của chính phủ về dân tộc thiểu số”.
Từ thế kỷ đầu tiên trước Công nguyên, Tân Cương – hành lang giao thông trên bộ và điểm tiếp xúc văn minh Á-Âu, đã là một phần quan trọng của Trung Quốc, đóng vai trò đáng kể trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước đa dân tộc này.
Trước thời điểm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào 1/10/1949, Tân Cương chứng kiến cuộc giải phóng hòa bình khu vực này. Từ năm 1949, đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970, Tân Cương đã bước vào một thời kỳ đạt được những tiến bộ xã hội và kinh tế nhanh chóng. Từ năm 1950 đến 2008, những thành tựu Tân Cương đạt được trải đều trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, nghệ thuật, y tế, an ninh xã hội...
Số cán bộ là người các dân tộc thiểu số ở Tân Xương đã tăng từ 46.000 năm 1955 lên 363.000 năm 2008, chiếm 51,25% tổng số cán bộ ở khu vực này. Hầu hết trong số 10 dân tộc thiểu số chính ở Tân Xương, với số dân là hơn 11,3 triệu người, có người theo đạo Hồi. Số đền thờ Hồi giáo đã tăng mạnh so với 2.000 trong những ngày đầu cải cách và mở cửa. “Tân Cương không thể có những thành quả này mà không có sự hòa hợp dân tộc, ổn định xã hội và đoàn kết dân tộc”, Sách Trắng viết.