Sự tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như quên một thực tế rằng, trong bất kỳ mối quan hệ nào, Trung Quốc cũng cần có Đông Nam Á để phát triển.
Trả lời trong bài viết đăng trên tờ Straits Times (Singapore), ông Rafael Alunan, cựu Bộ trưởng Nội vụ của Philippines dưới thời Tổng thống Fidel Ramos hồi tưởng lại sự việc Trung Quốc đặt chân tới Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Mối lo ngại của họ cuối cùng cũng thành hiện thực khi giờ đây khu vực này đã trở thành căn cứ quân sự chính thức.
Ông đưa ra nhận định: “Với việc Trung Quốc ngày càng tăng cường việc “gây thù” và phá hoại trật tự chung của toàn cầu, mọi người đều mong rằng họ sẽ “tiêu tùng” trước khi gây thêm thiệt hại đối với hạnh phúc nhân loại và sự ổn định của khu vực”.
Philippines đã từng một thời xác định đường lối chủ nghĩa dân tộc chống Mỹ, đòi Mỹ phải chuyển căn cứ quân sự khỏi cảng Subic (Philippines) để dảm bảo chủ quyền toàn vẹn của nước này. Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu chống đối đã chuyển sang Trung Quốc một cách rõ rệt.
Gió đang đổi chiều tại Đông Nam Á?
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây đắp đảo nhân tạo phi pháp tại Đá Vành Khăn (Ảnh: CSIS)
Thái độ của Philippines chỉ là một ví dụ cho bức tranh chung là Đông Nam Á đang chuyển những nỗi sợ phương Tây trước kia thành sự “khó chịu” đối với Trung Quốc. Những nhà lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á phải xem xét ngân sách cho quốc phòng, tìm kiếm liên minh an ninh mới và suy ngẫm về tương lai của một khu vực vốn đang bình yên trong hơn hai thập kỷ.
Trong vụ đối đầu “nóng” ở bãi cạn Scarborough năm 2012, Hải quân Philippines đã tìm cách bắt 8 tàu cá của Trung Quốc và bị các tàu hải giám của Trung Quốc chặn lại. Hai bên chỉ đồng ý rút lui sau khi Mỹ can thiệp.
Manila đã giữ lời, nhưng Bắc Kinh thì không như vậy. Trung Quốc sau đó đã sử dụng chiến thuật bầy đàn để ngăn chặn tàu thuyền Philippines xâm nhập lại vào khu vực. Tháng 1 sau đó Philippines đã khởi tố Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển, khiến cả thế giới kinh ngạc.
Còn đối với Malaysia, nước này đã thiết lập các phương án an ninh mới và ngày càng thể hiện rõ sự lo lắng của mình trước Bắc Kinh sau những năm “mềm mỏng” với người hàng xóm “khổng lồ”.
Khi Thủ tướng Malaysia ông Najib Razak trở lại tranh cử vào năm 2013, các cử tri nước này đã có thái độ bất mãn với Hiệp hội Malaysia - Trung Quốc. Ông đã thực hiện một điểm đặc biệt khi khởi công xây dựng khu công nghiệp Kuantan Malaysia – Trung Quốc tại quê nhà của mình.
Các quốc gia ASEAN đang từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng với các cường quốc khác, trong đó có Nhật Bản (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bước sang tháng Tư vừa qua, ông cũng phải lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với hoạt động xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Đáng chú ý, ông đã bay tới Tokyo chỉ vài tuần sau bài phát biểu. Malaysia đã nâng tầm mối quan hệ với Nhật Bản thành “đối tác chiến lược”.
Indonesia – quốc gia lớn nhất Đông Nam Á – cũng rất thận trọng. Nước này nằm ngoài vấn đề Biển Đông khi không tuyên bố chủ quyền trên các thực thể, nhưng đường “lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc đưa ra cũng vòng xuống phía quần đảo Natuna của họ.
Mặc dù chưa bao giờ làm rõ sự “mơ hồ” của đường 9 đoạn này, các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố rằng Jakarta đang “ngồi trên 50.000 km2 vùng biển của chúng tôi".
Trong khi đó, Việt Nam – quốc gia có mối liên hệ lịch sử và chính trị mật thiết với Trung Quốc trong số các nước ASEAN – đang nhanh chóng thắt chặt quan hệ đa phương hóa, nhìn nhận Trung Quốc vừa là “đối tác” vừa là “đối tượng”, hợp tác nhưng cũng đồng thời đấu tranh, ký kết những thỏa thuận về quốc phòng với nhiều đối tác quốc tế khác.
Trong tuần này, đại diện của 57 quốc gia đã họp tại Bắc Kinh để ký các điều khoản nhằm thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tuy nhiên, 3/7 quốc gia đến từ ASEAN chưa chấp thuận, ngoài Philippines, đáng ngạc nhiên là có cả Malaysia và Thái Lan, hai đối tác thân thiết của Trung Quốc. Lời giải thích chính thức Thái Lan đưa ra là họ đang trông chờ vào sự thông quan nội địa trước khi ký vào.
Phá bỏ an ninh, Trung Quốc đang nghĩ gì?
Biển Đông mang ý nghĩa chiến lược đối với hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP)
Tiến sĩ Wu Shicun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc tại Hải Khẩu – Hải Nam đã phân tích về chính sách an ninh của nước này. Tiến sĩ Wu biện bạch: Mỹ và Nhật Bản có xu hướng gây khó khăn cho Trung Quốc khi xâm nhập vào khu vực Tây Thái Bình Dương thông qua biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Vì thế Biển Đông tạo ra “lá chắn tự nhiên” chống lại khả năng can thiệp của 2 nước này.
Ông lý giải rằng, Bắc Kinh đánh giá chiến lược tái cân bằng của Mỹ đều nhắm tới mục tiêu kiềm chế Trung Quốc và Biển Đông chỉ đơn thuần là một “công cụ thuận lợi”. Ông cho biết: “Mỹ đã điều chỉnh vị trí của họ trong cuộc tranh chấp, từ chỗ hạn chế can thiệp tới tích cực can thiệp”.
Nhưng vấn đề ở đây là, nếu không còn cách nào khác để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài, tại sao Trung Quốc lại không có thái độ hợp tác, xúc tiến nhanh chóng việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước ASEAN?
Tiến sĩ Wu cho rằng rằng COC phức tạp hơn nhiều so với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết vào năm 2002. Hơn nữa, bản thân các nước thành viên ASEAN không thống nhất được nội dung của COC: Malaysia cho rằng COC chỉ nên áp dụng ở quần đảo Trường Sa, trong khi Việt Nam muốn nó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, Trung Quốc và ASEAN không dễ dàng đạt được đồng thuận trong vấn đề này.
Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng, mối quan tâm thực sự của Trung Quốc đối với Biển Đông là tạo cơ sở an toàn cho hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) nước này – nút chặn hạt nhân cuối cùng trong cân bằng sức mạnh hạt nhân giữa các cường quốc.
Tuy nhiên Biển Đông là một vùng biển nông so với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Điều này làm cho các tàu ngầm “ồn ào” của Trung Quốc dễ bị phát hiện. Vì vậy, Trung Quốc nỗ lực biến Biển Đông thành “ao nhà” thực chất để tạo không gian cho các tàu ngầm của họ “vươn ra biển lớn”.
“Trung Quốc hãy coi chừng”
Trung Quốc dường như quên rằng mối quan hệ giữa họ và ASEAN là phụ thuộc lẫn nhau (Ảnh minh họa)
Theo bài phân tích của Ravi Velloor trên tờ Straits Times, tất cả những điều này gia tăng nguy cơ một hình thái “chiến tranh lạnh” mới trước ngưỡng cửa của ASEAN. Do vậy, khi Trung Quốc tung ra các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng khu vực như AIIB, các chính phủ ngay lập tức cũng tăng chi tiêu cho quốc phòng, gây ảnh hưởng tới ngân sách dành cho giáo dục và y tế. Điều đáng sợ là không có cơ chế để ngăn chặn sự cố trong trường hợp nó xảy ra.
Bản thân Trung Quốc cần nhận thức được những thiệt hại về uy tín mà họ đã gây ra, đặc biệt là việc tuyên bố chủ quyền bất chấp luật pháp.Bắc Kinh cũng phải biết rằng, khi họ kiểm soát tình hình và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, sự phụ thuộc này không phải là sự phụ thuộc một chiều.
Khi nền kinh tế bị chững lại, đặc biệt với một nền kinh tế tăng trưởng nóng, Trung Quốc sẽ mất đi phần nào ưu thế của mình. Các Phòng Thương mại Mỹ tại Bắc Kinh cho biết tỷ lệ lợi nhuận các công ty con của họ kiếm được tại Trung Quốc đang dần trượt dốc.
Tương tự như vậy, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia và Thái Lan – 2 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Nhưng 2 nước này nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn là xuất khẩu sang nước này. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất tại Trung Quốc trong 2 năm qua. Trên thực tế, suy thoái tại Trung Quốc phần nhiều là do sự sụt giảm đáng kể trong các khoản đầu tư kể từ năm 2009.
Tác giả Ravi Velloor “nhắc nhở”, Bắc Kinh hãy chú ý rằng khu vực Đông Nam Á này cũng quan trọng với Trung Quốc không kém gì so với vai trò của Bắc Kinh đối với nơi đây. Những nước đi hung hăn sẽ vấp lấy hậu quả.