1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc có đáng tin?

(Dân trí) - Lòng tin - đó là từ được sử dụng thường xuyên nhất tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La mới đây, nơi quy tụ của quan chức an ninh và quân sự cấp cao trên toàn cầu. Diễn đàn tại Singapore đã mở màn bằng từ niềm tin và kết thúc cũng bằng từ đó.

 

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục phái chiến hạm tuần tra Biển Đông
Trung tướng Qi Jianguo, phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 2/6.

 

Như John Chipman, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhà tổ chức diễn đàn Đối thoại, đúc kết trong lễ bế mạc hội nghị vào cuối tuần qua, “niềm tin chiến lược đã trở thành chủ đề của Đối thoại lần này.”

 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khởi động niềm tin đó trong bài diễn văn dẫn đề, khi kêu gọi xây dựng “niềm tin chiến lược” và cho rằng “mất niềm tin là mất tất cả”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng nhấn mạnh niềm tin là điều quan trọng trong mối quan hệ giữa các nước.

 

Rất nhiều diễn giả đã nhắc lại thông điệp đó, từ trung tướng Qi Jianguo, phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tới Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith và ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore.

 

Đi kèm với niềm tin là sự minh bạch. Rất nhiều diễn giả đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sách trắng, để các nước cởi mở về khả năng quân sự, cũng như mục đích, ý định, ngân sách và sức mua trong quân sự của mình.

 

Các cuộc thảo luận cũng chỉ ra rằng, đường dây nóng giữa các lực lượng quân sự là công cụ quan trọng, nhưng điều này chỉ hiệu quả khi giới chức trách biết nhau và đã từng làm việc cùng nhau.

 

Thời điểm rung chuông “niềm tin” cũng rất đúng lúc, trong bối cảnh có một loạt căng thẳng ở những điểm nóng châu Á, trong đó có tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Đối thoại Shangri-La chính là nơi để tìm lại niềm tin thông qua trao đổi, là nơi để các bên trao đổi quan điểm một cách lịch sự và làm giảm nhiệt căng thẳng.

 

Nhiều nghi ngờ

 

Nhưng ngôn từ chỉ dừng lại ở đó. Điều này được chứng minh qua phản ứng đối với bài phát biểu của tướng Qi. Trong khi ông tuyên bố rằng Trung Quốc hoàn toàn ghê tởm việc dùng vũ lực và áp bức (viện dẫn lịch sử 30 năm qua nước này không gây ra một cuộc chiến nào) và theo đuổi chính sách theo đuổi hòa bình, nhiều người nghe vẫn không bị thuyết phục.

 

Bonnie Glaser, nhà quan sát về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ, thẳng thắn hỏi ông Qi tại diễn đàn mở rằng: “Ngài có thể giải thích sự mâu thuẫn giữa cam kết hòa bình của Trung Quốc và việc sử dụng tàu để bắt nạt các nước láng giềng, như được thấy ở bãi cạn Scarborough? Tại sao Trung Quốc lại phản đối dùng UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về luật biển) để giải quyết tranh chấp lãnh hải?”

 

Tướng Trung Quốc Qi đã trả lời rằng Trung Quốc không tìm kiếm bá chủ. Ông cho rằng Trung Quốc cử tàu tuần tra tới Biển Đông và Hoa Đông là nhằm thực thi chủ quyền của Trung Quốc và nhắc lại quan điểm lấy lịch sử để biện minh cho tuyên bố chủ quyền của mình. Các tàu này “chưa bao giờ cố tình khiêu khích” các nước khác, ông tuyên bố.

 

Ông cũng cho rằng Trung Quốc luôn tin vào giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương, phù hợp với “tình hữu nghị và đối tác” với Philippines.

 

Theo nhà phân tích Marites Dañguilan Vitug, của tờ Rappler, Philippines, thì nhiều người tham dự Đối Thoại Shangri-La tỏ ra nghi ngờ Trung Quốc. “Giống như là bạn đi gặp bác sỹ, mà người bác sỹ này đã lần thứ tư cam đoan với bạn rằng bạn khỏe mạnh dù cho bạn cảm thấy như thế nào. Vì vậy bạn không tin những gì ông ta nói”, một nhà phân tích cho hay.

 

Một nhà ngoại giao cũng có chung cảm giác, khi cho rằng Trung Quốc từ chối thừa nhận có thách thức đối với quan điểm của họ, ám chỉ đến tuyên bố chủ quyền của các nước khác trên Biển Đông. Vì vậy nó không tạo ra sự tin cậy, nhà ngoại giao cho hay. Còn Glaser sau đó cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội trấn an các nước khác.

 

Trung Quốc phớt lờ các nước khác

 

Trung Quốc đã không cử bộ trưởng quốc phòng tới bất kỳ diễn đàn nào của Đối thoại Shangri-La, cho thấy họ vẫn còn lưỡng lự, không hết mình tham gia. Các thành viên của phái đoàn cấp thấp của họ cũng không có quan điểm rõ ràng và đã bỏ lỡ cơ hội để bảo vệ và giải thích quan điểm của họ.

 

Liệu họ có mang về nhà những câu hỏi và thái độ mà họ đã thấy ở Đối thoại Shangri-La? Liệu những vấn đề này có được thảo luận ở giới cấp cao? Và liệu Trung Quốc thậm chí có quan tâm xem các nước khác nghĩ gì về họ?

 

Nhiều nhà phân tích chuyên theo dõi Trung Quốc cho biết, có một phái cứng rắn không coi trọng những gì thế giới nói về họ. Nhưng cũng có một nhóm theo dõi những tín hiệu và cởi mở đối với phản ứng của quốc tế.

 

Song về cơ bản, theo nhà phân tích Marites Dañguilan Vitug, qua nhiều năm, Trung Quốc đã cho thấy họ không quan tâm nhiều đến quan điểm của các nước khác. Một ví dụ rõ ràng là “đường chín đoạn” Trung Quốc đưa ra nhằm  lấy đi vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

 

Nhà phân tích Philippines lý giải, Trung Quốc phớt lờ quan điểm của các nước khác là bởi họ là một cường quốc toàn cầu, với nền kinh tế qua mặt được Nhật và các nước châu Á khác. Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, là đối tác thương mại khổng lồ, là nhà đầu tư lớn và cũng là nhà viện trợ lớn. Với quy mô và tiềm lực như vậy, họ tự cho mình quyền không cần nghe ai.

Vũ Quý

Theo Rappler