1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc chỉ tạm điều chỉnh chiến lược

Hành động bồi đắp quy mô lớn ít nhất bảy đảo trên biển Đông của Trung Quốc đã gây phản ứng quyết liệt của các nước láng giềng và quốc tế.

Trung Quốc đang muốn mở rộng vết chân trên Biển Đông. (Ảnh:
Trung Quốc đang muốn mở rộng "vết chân" trên Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

Trung Quốc luôn phủ nhận các công trình trên đảo là “xây dựng đảo trên biển”, mà là “bồi đắp trên lục địa”. Trung Quốc còn ngụy biện bồi đắp không phải là xây dựng đảo nhân tạo mà chỉ là “dùng tàu thuyền hút cát dưới đáy biển, bồi lấp lên phần đảo có sẵn”.

Nhiều học giả của Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh thích hợp chính sách tại biển Đông. Ông Tiết Lực, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược quốc tế (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), nhận định Bắc Kinh cần căn cứ vào lợi ích quốc gia để điều chỉnh chính sách tại biển Đông. Ông cho rằng vị trí biển Đông trong vấn đề lợi ích của Trung Quốc thấp hơn một bậc so với vấn đề Đài Loan và Tân Cương.

Ngoài ra, ông ghi nhận vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ của Trung Quốc với ASEAN. Đây không phải là lợi ích có tầm quan trọng tới mức đè nén hết tất cả mà chỉ là một bộ phận trong mối quan hệ tổng thể. Ông nhận định chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mới là chiến lược đối ngoại tổng thể thống lĩnh tương lai.

PGS Trương Vũ Quyền ở Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (ĐH Trung Sơn) nhận xét: “Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã lập tức cho xây dựng đảo. Về mặt này, cách thể hiện của ông Tập Cận Bình vô cùng cứng rắn. Để xây dựng “một vành đai, một con đường” cần có môi trường hòa bình. Vì vậy bố cục cứng rắn và chiến lược tổng thể đã có mâu thuẫn nhất định”.

Ông cho rằng Trung Quốc xây đảo trên biển Đông chủ yếu muốn giành vị thế đàm phán. Ông ghi nhận: “Trung Quốc không có quyền tự chủ tại biển Đông, không có cách ngồi bình đẳng với các nước liên quan. Theo tôi, chính phủ Trung Quốc muốn tạo áp lực nhất định cho các nước nhằm đặt mục đích xúc tiến đàm phán để đạt mục đích hợp tác với các nước xung quanh”.

Ông Tiết Lực nhận xét Trung Quốc xây dựng công trình trên đảo chủ yếu là giải quyết vấn đề có chỗ đứng tương xứng với thực lực nhưng điều này không giải quyết được toàn bộ vấn đề tại biển Đông.

Ông nhận xét biển Đông vốn là vấn đề an toàn khu vực mà khối ASEAN quan tâm nhất. Chưa giải quyết xong vấn đề này, mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN sẽ chỉ hạn chế về kinh tế, không thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như an ninh hay chính trị, đồng thời khó xây dựng mối quan hệ một khối thống nhất.

Chuyên gia Chương Gia Đôn người Mỹ gốc Hoa nói: “Có khả năng Trung Quốc có điều chỉnh chiến lược nhưng chỉ là tạm thời điều chỉnh. Không lâu nữa ta sẽ lại thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo. Có thể Trung Quốc sẽ trang bị radar, đại bác và cảng quân sự. Tôi cho rằng Bắc Kinh không có thay đổi lớn mang tính lâu dài trên biển Đông”.

Theo Bảo Như
Pháp  luật TPHCM