Trung Quốc bí mật phóng thử tên lửa chống vệ tinh
(Dân trí) - Trung Quốc mới đây đã tiến hành phóng thử bí mật loại tên lửa mới chống vệ tinh ở miền Tây nước này, trang mạng The Diplomat đưa tin, trích dẫn thông tin từ trang Washington Free Beacon.
Theo The Washington Free Beacon, loại tên lửa mới có tên gọi Dong Neng-3, được phóng thử từ Tổ hợp phóng tên lửa Korla, thuộc miền Tây Trung Quốc, vào ngày 30/10.
Chi tiết của lần phóng thử Dong Neng-3 không được tiết lộ và không rõ lần phóng thử này có thành công hay không.
Còn theo thời báo Ming Pao của Hồng Kông, giai đoạn cuối của quá trình phóng thử được thực hiện trên không. Tuy nhiên, trước kia Trung Quốc đã nhiều lần ngụy trang phóng thử tên lửa chống vệ tinh dưới dạng phóng các tên lửa đánh chặn. Tính từ năm 2008, Bắc Kinh đã phóng thử 8 lần tên lửa chống vệ tinh. Các cuộc phóng thử diễn ra vào các năm 2010, 2013, và 2014 dưới vỏ bọc phóng thử tên lửa đánh chặn trên bộ.
Khả năng phóng tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc thu hút sự chú ý của công chúng lần đầu vào năm 2007 khi Bắc Kinh phá hủy một vệ tinh theo dõi thời tiết bị lạc hậu bằng một quả tên lửa. Tên lửa đạn đạo DN-2 được phóng thử vào năm 2013, gần như đạt tới quỹ đạo ở vị trí khoảng 30.000 km so với bề mặt trái đất.
Giới chức quốc phòng Mỹ theo sát tên lửa thế hệ tiếp theo DN-3 tiết lộ với tờ The Washington Free Beacon rằng đây là loại tên lửa đẩy trực diện nhắm thẳng vào các vệ tinh và phá hủy. Theo đánh giá lực lượng tình báo, loại vũ khí này có khả năng phòng thủ tên lửa.
Những thông tin chi tiết về tên lửa DN-3 không có nhiều. DN-3 có thể hoặc là một phiên bản chế từ tên lửa DN-2, loại tên lửa đánh chặn trên quỹ đạo Trái Đất do Tổng Công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Trung Quốc sản xuất, hoặc là một loại tên lửa hoàn toàn mới.
Bệ phóng tên lửa còn chưa được tiết lộ. Trung Quốc gần đây chế tạo lại loại bệ phóng vệ tinh mới và mạnh hơn nhiều với tên gọi KZ-1 và KZ-11. Tên lửa DN-3 được phóng từ bệ phóng KZ-11 có thể vươn tới các mục tiêu trên các quỹ đạo cao hơn.
Trong một hội nghị tổ chức vào tháng 3 năm nay, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về Công nghệ và mua sắm Frank Kendall cho biết những lợi thế về công nghệ của Mỹ ngoài khoảng không vũ trụ đang bị “xói mòn” đi nghiêm trọng trước những khả năng chống vệ tinh lớn mạnh từ Nga và Trung Quốc.
Giới chức Mỹ cũng hết sức lo ngại về các thách thức đối với các vệ tinh băng tần cao hiện đại của nước này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Jaganath Sankaran, một cây bút viết cho trang mạng The Diplomat, nguy cơ các cuộc tấn công vệ tinh là hạn chế và sẽ không mang lại một lợi thế về quân sự trong các cuộc đối đầu.
“Không giống Mỹ, tiềm năng theo dõi các vệ tinh của Trung Quốc vẫn rất còn hạn chế, phần lớn là đặt trên lãnh thổ hoặc có thể trên các hạm đội trên biển”, nhà báo Jaganath Sankaran giải thích.
Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ-Trung thuộc quốc hội Mỹ, cả hai tên lửa DN-2 và Sc-19 được phóng theo lập trình bay đặt trước và chỉ có thể chạm các vệ tinh khi nó có khả năng bay vượt qua lãnh thổ Trung Quốc.
Vũ Duy
Theo TheDipomat