1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc, 61 năm và niềm tự hào về những kỳ tích

(Dân trí) - Người dân khắp nơi ở Trung Quốc những ngày này đang tưng bừng lễ kỷ niệm ngày thành lập nước (1/10/1949-1/10/2010). Vượt qua chặng đường 61 năm qua, Trung Quốc có quyền tự hào vì đã làm lên kỳ tích trong lịch sử thế giới hiện đại.

Trung Quốc, 61 năm và niềm tự hào về những kỳ tích - 1


Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc không thể tách rời với thế giới

Quốc vụ viện Trung Quốc tối 30/9 đã tổ chức buổi chiêu đãi tại Bắc Kinh, chào mừng Quốc khánh. Phát biểu tại buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu, quan khách trong và ngoài nước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 11, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi mang tính lịch sử cho diện mạo đất nước.

Thành tựu ấn tượng nhất của Trung Quốc phải kể đến lĩnh vực kinh tế. Kể từ thực hiện cải cách mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội. GDP tăng trưởng bình quân hàng năm của Trung Quốc đạt 9,8%. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm gần đây đạt mức trung bình hơn 1.200 USD/năm.

Chỉ trong 3 thập kỷ kể từ khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã vượt qua Anh, Pháp và Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và mang lại cho các nước đang phát triển một tiếng nói lớn hơn tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Năm 2008, mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng tỉ lệ tăng trưởng GDP vẫn đạt 10%, vượt Đức trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới; FDI đạt hơn 860 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ đạt 1.950 tỷ USD, cao nhất thế giới. Năm 2009, những giải pháp kích cầu của Trung Quốc, bao gồm cả gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ được Chính phủ nước này công bố tháng 11 năm 2008, đã phát huy tác dụng. Trung Quốc tự hào vì đã đưa được khoảng nửa tỷ người ra khỏi tình trạng đói nghèo và đang dẫn dắt nền kinh tế trên đà tiếp tục phát triển.

Đặc biệt, hồi đầu tháng 8 vừa qua, báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế cho biết Trung Quốc đã chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới của Nhật Bản và ảnh hưởng của họ đang ngày càng lớn. Hãng tin AP dẫn lời nhà kinh tế quốc tế trưởng của Capital Economics tại London nói rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể đã vượt qua Nhật Bản trong quý II năm nay. Dự đoán này dựa trên GDP của hai cường quốc kinh tế trong năm ngoái và tốc độ tăng trưởng của họ. GDP của Trung Quốc trong năm 2009 là 4.980 tỷ USD, còn của Nhật Bản là 5.070 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tương ứng của hai nước là 10% và 3%.

Tiếp đó, trong một thảo luận về chính sách trên trang mạng của Cục Ngoại hối Trung Quốc, Cục trưởng Dị Cương viết: “Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới”. Một số chuyên gia kinh tế thậm chí còn dự báo Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp Mỹ về mặt GDP, có thể chỉ cần tới năm 2020.

Kể từ sau khi Trung Quốc bắt đầu cải cách hồi năm 1979, họ đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và là nơi các tập đoàn đa quốc gia lập cơ sở sản xuất. Các nhà bình luận cho rằng việc Trung Quốc chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đánh dấu sự trở lại thời hoàng kim từ thế kỷ 18, khi Trung Quốc từng là “ngọn hải đăng” về kinh tế, công nghệ ở Đông Á – theo như bình luận của hãng tin AP.

Hầu hết các nước châu Á đang phục hồi mạnh mẽ sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng gia tăng sự hiện diện của các công ty tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Theo Giáo sư Regina Abrami của trường Đại học Harvard (Mỹ), chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị, khi xét tới sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam, có nhiều điểm tích cực trong bối cảnh quan hệ thương mại, kinh tế được tăng cường giữa hai nước đã giúp nhiều hàng hóa Việt Nam có cơ hội được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đến việc đưa hai nước vào một chiến lược đầu tư rộng lớn hơn.

Trong bài phát biểu trước Quốc vụ viện ngày hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh rằng sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc không thể tách rời với thế giới. Trung Quốc sẽ kiên trì mọi chính sách có lợi cho mở cửa đối ngoại. Theo ông, Trung Quốc cần phải mạnh dạn học tập và tham khảo mọi thành quả văn minh do xã hội loài người sáng tạo, cũng phải đóng góp cho phát triển văn minh của nhân loại bằng trí tuệ và sáng tạo của mình. Ông tái khẳng định lại rằng Trung Quốc kiên định đi con đường phát triển hoà bình. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không tổn hại cho bất cứ nước nào, cũng không đe dọa cho bất cứ nước nào. Trung Quốc quyết không đi con đường "nước mạnh ắt xưng bá".

Hà Khoa
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm