1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung - Mỹ đứng trước nguy cơ đụng độ vũ trang ở Biển Đông?

Mỹ - Trung đang đứng trước nguy cơ đối đầu trực tiếp căng thẳng nhất ở châu Á, dễ dẫn đến bùng phát đụng độ vũ trang.

Tờ Nation Review của Mỹ nhận định về nguy cơ ở Biển Đông hiện nay trước thông tin Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch điều tàu, máy bay tuần tra tới sát khu vực 12 hải lý quanh 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa - nơi mà Bắc Kinh đang làm bàn đạp để đẩy xa tham vọng bành trướng của mình ra phía biển.

Trung - Mỹ đứng trước nguy cơ đụng độ vũ trang ở Biển Đông?
Trung Quốc đang tăng cường xây dựng đường băng dài khoảng 3.000 m trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam. Diện tích nơi này đã tăng hơn 11 lần và bị biến thành "đảo" lớn nhất Trường Sa. (Ảnh: CSIS AMTI/AFP)

Trung Quốc nêu khả năng thiết lập ADIZ

Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã nói “vấn đề thiết lập một ADIZ phụ thuộc vào tình huống xuất hiện nguy cơ đe dọa nào đó cũng như nhiều yếu tố khác cần phải được tính đến”.

Cũng ngày hôm đó, giới chức quân đội Philippines đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, Phó đô đốc Philippines Alexander Lopez cho biết trong ba tháng qua, lực lượng Trung Quốc sáu lần cảnh báo máy bay không quân và hải quân Philippines phải lập tức rời khỏi vùng trời phía trên Biển Đông.

Phó đô đốc Lopez nói: “Khi máy bay chúng tôi tuần tra hàng hải và bay trên không phận quốc tế, phía Trung Quốc cảnh báo chúng tôi qua radio rằng máy bay của chúng tôi đang bay trong vùng an ninh quân sự của họ”.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cũng nhận định Trung Quốc đang có những hành vi “hung hăng” tại Biển Đông, với mục tiêu là thiết lập ADIZ, tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013.

Vào thời kỳ đó, Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông với ý đồ “đe dọa” Nhật Bản để buộc Tokyo phải nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tờ Nation Review nhận định, Nhật Bản có đủ tiềm lực để chống lại sức ép của Trung Quốc, nhưng điều này không đơn giản với các quốc gia Đông Nam Á, điển hình vụ tranh chấp bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham với Philippines. “Đó chính là lý do mà nhiều quốc gia trong khu vực tin rằng dựa vào Mỹ là cơ hội và cách thức để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông”.

Mỹ gia tăng hiện diện

Ngày 12/5, giới chức Mỹ tuyên bố, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch tiến hành tuần tra bằng máy bay quân sự quanh các đảo mà Trung Quốc tiến hành cải tạo ở quần đảo Trường Sa.

Quan chức Lầu Năm Góc đã tiết lộ rằng, Mỹ sẽ sớm điều máy bay quân sự và tàu hải quân đến khu vực để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các bãi đá nói trên.

Cùng ngày 12/5, Hải quân Mỹ cũng ra thông cáo cho biết tàu Fort Worth của lực lượng này đã tới vịnh Subic, Philippines để tiếp dầu, sau một tuần đi tuần tra ở vùng biển và không phận quốc tế gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Tàu Fort Worth đã nhiều lần đi qua Biển Đông, nhưng cuộc tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến ven biển (LCS) hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.

Trung - Mỹ đứng trước nguy cơ đụng độ vũ trang ở Biển Đông?
Tàu USS Fort Worth của Mỹ hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) đi gần phía sau. (Ảnh: US Pacific Fleet)
 
Trên trang navy.mil, Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7 khẳng định, kể từ bây giờ tàu LCS sẽ hiện diện thường xuyên ở khu vực Đông Nam Á.

Việc tàu Fort Worth hoạt động ở vùng biển gần Trường Sa đã tạo nên một thông lệ mới. Dự kiến, vào năm tới, Mỹ sẽ cử thêm 4 tàu LCS đến hoạt động ở khu vực này, ông Kacher nói. Ông Kacher đồng thời nhấn mạnh, việc Mỹ cử nhiều tàu LCS đến Đông Nam Á chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng gia tăng của “khu vực đang trỗi dậy” này.

Nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang

Vụ tàu khu trục nhỏ tên lửa dẫn đường Yancheng của Trung Quốc đeo bám riết tàu chiến USS Fort Worth của hải quân Mỹ ở khu vực Trường Sa cho thấy Bắc Kinh sẽ không bỏ qua bất cứ động thái quân sự nào của Washington trên Biển Đông, bất chấp hai nước Mỹ, Trung bị ràng buộc bởi Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) do hải quân các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, thông qua năm 2014.

Theo Sina Military Network, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục các chuyến tuần tra tương tự khi hoàn thành kế hoạch triển khai toàn bộ 4 chiếc tàu tác chiến cận bờ tới Singapore. Báo Trung Quốc dự đoán nhiều vụ chạm trán tương tự sẽ có thể xảy ra trong tương lai.

Điều này cũng được tờ Nation Review nhận định nếu Mỹ vẫn duy trì kế hoạch điều tàu và máy bay trực thăng tới biển Đông, chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó. “Nó có thể dẫn đến những cuộc đối đầu quân sự trên biển hoặc trên không và tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột rất lớn”.

Để hóa giải nguy cơ này, các lực lượng quân sự Mỹ cần phải có những quy tắc tiếp cận rất rõ ràng để đảm bảo rằng bất cứ sự cố, tai nạn nào cũng có thể được phòng tránh hoặc kiềm chế, tránh là căng thẳng leo thang thành xung đột.

Thực tế, Trung Quốc cũng không được lợi ích gì nếu “gây sự” với hải quân và không quân Mỹ. Điều này từng xảy ra với ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013, Bắc Kinh đã “im hơi lặng tiếng” khi Washington điều hai máy bay quân sự B52 bay quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông mà không thông báo trước cho phía Trung Quốc.

Tuy nhiên không thể căn cứ vào đó để nói sẽ không xảy ra xung đột trong trường hợp Mỹ lặp lại động thái quân sự này tại Biển Đông. Khi các bên đều ở trong tư thế “phóng tên” càng phải đề cao hơn hết những quy tắc kiểm soát để tránh xảy ra xung đột bất ngờ trên vùng biển chiến lược này./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN