1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc cần rút giàn khoan về

(Dân trí) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua cho rằng Trung Quốc cần phải rút giàn khoan Hải Dương-981 và các bên tranh chấp trên Biển Đông nên giải quyết tranh chấp tại một tòa án quốc tế.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hoa Kỳ vào chiều nay 8/5.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 8/5 vừa qua.

Tuyên bố trên của ông Daniel Russel được đưa ra trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Trung tâm báo chí tại Tokyo (Nhật Bản) của Bộ Ngoại giao Mỹ vào chiều ngày 10/6, với sự tham của nhiều nhà báo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc họp báo được tổ chức sau khi ông Russel vừa tham dự một loạt cuộc họp với các quan chức của ASEAN tại Yangon, Myanmar, trong đó vấn đề an ninh, tình hình Biển Đông nằm trong những vấn đề được thảo luận.

Trả lời cho câu hỏi liên quan đến căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, ông Russel cho rằng các bên tuyên bố chủ quyền cần phải giải quyết tranh chấp qua một tòa án quốc tế.

“Tôi đã nhấn mạnh trong các cuộc họp…về quan điểm của chúng tôi rằng cả hai bên, Việt Nam và Trung Quốc cần phải làm giảm leo thang căng thẳng. Cả hai bên cần phải kiềm chế và phải đảm bảo được hành xử an toàn cũng như đảm bảo cho hoạt động của các tàu của họ được an toàn”, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống trên Biển Đông về để tạo không gian cho ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng.

Nhắc lại quan điểm Mỹ không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, ông Russel cho hay: “Trung Quốc phải rút giàn khoan .. nhằm tạo không gian cho tiến trình ngoại giao để giải quyết căng thẳng”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đưa ra quan điểm trên sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã ra một thông cáo dài, lý giải chủ quyền của mình trên Hoàng Sa, dựa trên bằng chứng lịch sử, ví dụ như các cuộc thám hiểm của hải quân nước này từ xa xưa cùng các bản đồ cổ.

Mặc dù không đứng về phía bên nào trong vụ việc, ông Russel nhấn mạnh Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa từ rất lâu. Hơn nữa Việt Nam cũng đã và đang phát triển các trữ lượng dầu lửa và khí đốt trong một khu vực đã được chính thức tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển của Việt Nam.

Trong khi trước đó, tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn, có hành động đơn phương” trên biển.

Tìm thỏa thuận tạm thời, không chiếm thêm đảo

Ông Russel cũng kêu gọi các quan chức ASEAN và Trung Quốc tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời, theo đó các bên không chiếm thêm các đảo hiện chưa có nước nào quản lý ở trên Biển Đông.

“Có rất nhiều thông tin về các hoạt động trên Biển Đông, như bồi đắp đất…và hoạt động xây dựng quy mô các tiền đồn vượt xa những gì một người biết cư xử  coi là duy trì nguyên trạng”, ông Russel nhấn mạnh.

Trong những ngày qua, giới chức Philippines nhiều lần bày tỏ lo ngại về hoạt động của Trung Quốc quanh các bãi ngầm ở Trường Sa và có thể hoạt động này là nhằm biến bãi ngầm thành đảo nhân tạo và xây dựng một đường băng cùng một căn cứ quân sự trên đó.

Ông Russel cho rằng cam kết tạm thời phải nhất quán với Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2010 giữa ASEAN và Trung Quốc.

Kêu gọi Trung Quốc đối mặt với Philippines ở tòa án

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel cũng kêu gọi Trung Quốc tận dụng “cơ hội quan trọng” của tòa án quốc tế vào tuần trước, theo đó cho Trung Quốc hạn chót vào ngày 15/12 tới để đệ trình bằng chứng nhằm chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình trong vụ kiện của Philippines.

“Điều này…mở cánh cửa nhằm loại bỏ một số mơ hồ liên quan đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, những mơ hồ đã đẩy căng thẳng và bất ổn ở khu vực gia tăng”, ông Russel cho biết qua điện thoại với các phóng viên từ Hồng Kông.

Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague Hà Lan hồi tuần trước cho biết cho Trung Quốc 6 tháng nhằm trả lời cho vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi xướng vào tháng 3 vừa qua. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định họ từ chối tham gia vụ kiện. Trung Quốc cũng từ chối bất kỳ giải pháp quốc tế nào đối với các tranh chấp lãnh thổ và kêu gọi đàm phán song phương với từng nước, mà theo giới phân tích là nhằm dễ bề giành thế “thượng phong”, bắt nạt trước các nước hơn.

Vũ Quý