1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên sẽ làm gì tiếp sau màn “võ mồm”?

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng các đơn vị tên lửa chiến lược của nước này đã ở tư thế sẵn sàng để “giải quyết ân oán” với Mỹ, sau khi Mỹ điều các máy bay ném bom tới Hàn Quốc tham gia tập trận.

Các binh sĩ Triều Tiên mít-tinh ủng hộ kêu gọi chống Mỹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Các binh sĩ Triều Tiên mít-tinh ủng hộ kêu gọi chống Mỹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Bình Nhưỡng hầu như ngày nào cũng phát đi các đe dọa kể từ khi Hội đồng bảo an thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 3.

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên từ lâu vẫn thường đưa ra những đe dọa mà không hành động, và tin rằng mục đích của Bình Nhưỡng là nhằm tăng cường sự ủng hộ ở trong nước, tìm kiếm viện trợ và sự đảm bảo an ninh từ Seoul và Washington.

Nhưng cũng có những lo ngại rằng các bất đồng gia tăng có thể khiến tình hình vượt khỏi mức kiểm soát, như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo từ Mátxcơva.

Vậy Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo? Dưới đây là dự đoán về 5 kịch bản mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện sau những đe dọa liên tiếp.

1. Tấn công vào Mỹ hoặc các lợi ích của Mỹ

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào lục địa Mỹ. Họ cũng tin rằng Bình Nhưỡng chưa thể đặt đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa tầm xa và nghi ngờ về khả năng tên lửa có thể vươn tới đất liền nước Mỹ.

Theo các chuyên gia, tên lửa Scud thời Liên Xô của Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc, nơi Mỹ có các căn cứ, nhưng chưa rõ liệu các tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng có thể tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương hay không. Ông Adam Cathcart, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Belfast (Anh), cho rằng về mặt lý thuyết, với Triều Tiên, tấn công các lực lượng Mỹ ở gần đó không chỉ khả thi mà còn thông minh về mặt chiến lược, làm trầm trọng thêm những căng thẳng và tranh cãi tại Nhật Bản và Hàn Quốc về vai trò của Mỹ và cách thức đối phó với Triều Tiên.

Nhưng ông Cathcart nói thêm: “Tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, đơn giản là vì các biện pháp đáp trả”.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên biết rằng tất công các lợi ích của Mỹ giống như một "hành động tự sát".

2: Tấn công Hàn Quốc

“Seoul dễ bị tấn công hơn nhiều so với các lợi ích Mỹ. Triều Tiên có thể bắn một hoặc 2 quả tên lửa tới nơi nào đó gần sân bay Incheon, để chứng tỏ rằng họ có thể làm điều đó… hoặc triển khai các tàu ở phía nam biên giới biển với Hàn Quốc”, James Hoare, cựu tùy viên sứ quán Anh tại Bình Nhưỡng, nhận định.

Điều đó không có nghĩa là Triều Tiên sẽ hiện thực hóa lời đe dọa lặp đi lặp lại nhằm biến Seoul thành “biển lửa”. Mặc dù Triều Tiên có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và tổn thất về người trên quy mô lớn, nhưng các nhà phân tích cho rằng các viễn cảnh biển lửa là không có khả năng xảy ra. Nếu xảy ra tấn công, Bình Nhưỡng phải đối mặt với với sự trả đũa khốc liệt và bất kỳ một cuộc tấn nào như vậy có thể giết chết các công dân Trung Quốc tại Hàn Quốc, khiến Bắc Kinh - đồng minh chính của Bình Nhưỡng - xa lánh.

3: Một vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân

Triều Tiên thỉnh thoảng lại tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, vì các lý do thử nghiệm nhưng cũng nhằm gửi đi một thông điệp.

“Họ rõ ràng đã có một chương trình nhằm phát triển những thứ đó, các nhà khoa học và những người chỉ đạo họ đang tiếp tục gây sức ép để thúc đẩy các chương trình và các vụ thử nghiệm”, ông Hoare nhận định.

Tuy nhiên, ông Cathcart cũng lưu ý rằng mặc dù Triều Tiên đã tính toán cụ thể những điều mà nước này có thể thu được về mặt chính trị từ các vụ thử như vậy, cũng có nguy cơ các vụ thử nghiệm có thể phơi bày các sự cố kỹ thuật mà nước này phải đối mặt, trong khi cố gắng gửi đi một thông điệp về sức mạnh.

4: Các biện pháp phi quân sự

Triều Tiên đã cắt các đường dây nóng và rút khỏi hiệp định đình chiến. Nhưng Bình Nhưỡng cũng nhận thức rõ về các biện pháp khác mà họ có thể sử dụng như đóng cửa khu công nghiệp Kaesong chung với Hàn Quốc, thu giữ các tài sản làm "con tin", và tiến hành các cuộc chiến tranh trên mạng.

Đã có những nghi ngờ cho rằng các cuộc tấn công mạng vốn làm tê liệt các hệ thống ngân hàng và các hãng truyền thông của Hàn Quốc hồi tháng trước là do các hacker Triều Tiên thực hiện, nhưng các nhân viên điều tra nói rằng cần thời gian để tìm ra sự thật.

5: Trở lại đàm phán

“Vấn đề là với ai và vì cái gì”, ông Cathcart nói.

Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 28/3 đã kêu gọi các nỗ lực nhằm khởi động các cuộc đàm phán 6 bên đổi viện trợ lấy giải trừ hạt nhân. Nhưng người Triều Tiên đã rút khỏi các cuộc đàm phán năm 2009 và kể từ đó đã đưa mọi chuyện đi xa hơn bằng tuyên bố rằng chương trình hạt nhân là không thể thương lượng.

“Các cuộc đàm phán liên Triều có khả năng xảy ra hơn và có thể cũng hữu ích hơn là đàm phán với Mỹ”, ông Cathcart nhận định.

“Tôi nghĩ sẽ mất vài tuần tiếp diễn các giọng điệu đe dọa, sau đó các bên sẽ cố gắng thoát khỏi tình trạng đó”, ông Hoare dự đoán.

Ông Hoare còn lưu ý rằng Triều Tiên đã không quay lưng lại Liên hợp quốc bất chấp phản ứng giận dữ trước các biện pháp trừng phạt thắt chặt mới nhất của Hội đồng bảo an. Việc Hàn Quốc có chính quyền mới cũng sẽ giúp ích cho khả năng trở lại đàm phán. Quan hệ liên Triều bị suy giảm mạnh mẽ dưới thời người tiền nhiệm của nữ Tổng thống Park Geun-hye, ông Lee Myung-bak, người đã ngừng chính sách viện trợ không điều kiện cho Bình Nhưỡng.

An Bình
Theo Guardian