1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên đặt tên lửa lên bệ phóng

(Dân trí) - Triều Tiên đã đặt tên lửa lên bệ phóng Tongchang-ri ở miền Bắc sau khi hoàn thành công đoạn lắp ráp tại chỗ các bộ phận tách rời của tên lửa này, báo chí Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng cho biết hôm 26/3.

Triều Tiên đặt tên lửa lên bệ phóng

  Bệ phóng Tongchang-ri ở tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên, nơi dự kiến sẽ diễn ra vụ phóng tên lửa vào tháng tới.


Theo Bộ quốc phòng Hàn Quốc, các chuyên gia Triều Tiên đã thiết lập xong tổ hợp phóng tên lửa để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, bất chấp việc cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã cảnh báo sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu như tên lửa bay qua lãnh thổ hai nước này.

Công việc đặt tổ hợp tên lửa lên bệ phóng được hoàn tất chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên vận chuyển từng bộ phận tách rời của tên lửa đến bãi phóng Tongchang-ri từ nhà máy ở Bình Nhưỡng trên một chuyến tàu đặc chủng.

Các nguồn tin ngoại giao trong khu vực dẫn các bức ảnh chụp được từ vệ tinh do thám cho thấy Triều Tiên đã vận chuyển thành phần chính của tên lửa đạn đạo tầm xa Unha-3 tới điểm phóng Tongchang-ri thuộc huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan từ hôm 24/3.

Đây là thế hệ tên lửa thứ ba do Triều Tiên tự sản xuất, có tầm bắn lên tới gần 4.000 km, tức là có có thể bắn tới bang Alaska của Mỹ.

Triều Tiên thông báo sẽ phóng vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3 trong khoảng thời gian từ ngày 12-16/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập ra nước Triều Tiên hiện nay.

Nhật, Hàn tăng cường phòng thủ

Phản ứng trước kế hoạch phóng vệ tinh mà nhiều nước cho rằng chỉ là vỏ bọc của một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, hai nước láng giềng của Triều Tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã loan báo sẽ không nương tay nếu như tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ của họ.

“Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp theo dõi và bắn hạ tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp nó lạc ra ngoài đường đi thông thường và xâm phạm lãnh thổ Hàn Quốc”, phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yoon Won-shik tuyên bố.

Cũng theo ông Yoon Won-shik, Hàn Quốc “không thể không xem vụ phóng là một hành động cực kỳ khiêu khích và liều lĩnh”, làm huỷ hoại hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka cũng cho biết sẽ bổ sung một khẩu đội pháo chống tên lửa tại thủ đô Tokyo và triển khai thêm các hệ thống tên lửa đánh chặn tại chuỗi đảo Okinawa ở miền Nam.

“Chúng tôi đang xem xét các thủ tục để triển khai tên lửa Patriot tại thủ đô Tokyo để đề phòng”, ông Tanaka cho biết khi đề cập tới hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không PAC-3.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chuẩn bị triển khai tên lửa Patriot tại quần đảo Nansei ở phía Tây Nam, trong đó có Okinawa”, vì dự kiến tầng thứ hai của tên lửa Triều Tiên sẽ bay qua chuỗi đảo ở cực Nam Nhật Bản, ông Tanaka nói thêm.

Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan ngại đặc biệt trước kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đầy tầm xa của Triều Tiên, cho rằng hành động này hủy hoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực Đông Bắc Á nói chung và vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc về việc cấm Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm xa.

Cho đến nay, Liên hợp quốc và hầu hết các nước đều đã kêu gọi Triều Tiên xem xét ngừng kế hoạch phóng vệ tinh gây tranh cãi. Đây cũng là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại các cuộc thảo luận bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai đang diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong hai ngày 26 - 27/3/

 Vũ Anh
 Theo Reuters, Yonhap