1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Triều Tiên đang hướng tới hình mẫu quốc gia nào?

(Dân trí) - Trong khi Mỹ muốn Triều Tiên đi theo mô hình phi hạt nhân hóa kiểu Libya, Bình Nhưỡng lại coi đây là con đường cần tránh và có thể lựa chọn một hướng đi khác phù hợp hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vật thể được cho là đầu đạn tên lửa (Ảnh: Reuters)

Trước khi chính quyền Mỹ và Triều Tiên liên tục đưa ra những lời dọa dẫm về việc hủy hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 6 tại Singapore, hai bên từng vướng vào một cuộc tranh cãi căng thẳng liên quan tới một mô hình phi hạt nhân hóa mà Washington muốn Bình Nhưỡng đi theo, đó là Libya.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton, nói rằng nền tảng cho một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên là “mô hình Libya” từ năm 2003-2004 khi cố lãnh đạo Muammar Gaddafi đồng ý bàn giao toàn bộ chương trình hạt nhân của Libya cho Mỹ. Đối với Triều Tiên, việc lấy Libya làm hình mẫu được xem là nỗi sợ hãi khủng khiếp và là điềm báo u ám cho tương lai của Bình Nhưỡng. Năm 2011, tức chưa đầy 10 năm sau khi Libya nhượng bộ phương Tây trong vấn đề hạt nhân, chính quyền Gaddafi bị lật đổ trong khi bản thân nhà lãnh đạo Gaddafi cũng bị quân nổi dậy sát hại.

Libya không phải là lời cảnh báo duy nhất đối với Triều Tiên về những mối đe dọa từ giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 2003, Iraq tuyên bố từ bỏ việc theo đuổi chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, thậm chí cho phép các thanh sát viên hạt nhân quay trở lại nước này. Tuy vậy, Mỹ rốt cuộc vẫn đem quân tới Iraq và chính quyền của nhà lãnh đạo Saddam Hussein cũng bị lật đổ. Năm 2015, Iran cũng đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy viễn cảnh được nới lỏng trừng phạt. Đến năm 2018, Tổng thống Trump đã đơn phương xe bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo Atlantic, nếu so sánh giữa các mô hình quốc gia hạt nhân mà Triều Tiên có thể lấy làm hình mẫu, Pakistan được xem là một trong số các lựa chọn của Bình Nhưỡng.

Mô hình Pakistan

Tên lửa do Pakistan chế tạo tham gia lễ duyệt binh tại Islamabad năm 2017 (Ảnh: AP)
Tên lửa do Pakistan chế tạo tham gia lễ duyệt binh tại Islamabad năm 2017 (Ảnh: AP)

Pakistan bắt đầu nghiêm túc theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân từ thập niên 1970. Động lực thôi thúc Pakistan khi đó là mong muốn đối phó với một đối thủ mạnh hơn là Ấn Độ, đồng thời muốn sánh ngang với Ấn Độ về năng lực hạt nhân.

“Nếu Ấn Độ chế tạo bom hạt nhân, chúng tôi sẽ ăn cỏ, ăn lá cây, thậm chí nhịn đói để có thể chế tạo một quả bom của riêng chúng tôi”, chính trị gia Zulfikar Ali Bhutto, người sau này trở thành thủ tướng Pakistan, từng tuyên bố.

Vào năm 1998, Pakistan đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân. Tới năm 2016, Tập san của Các nhà khoa học hạt nhân ước tính Pakistan đã sở hữu 130-140 đầu đạn hạt nhân và dự đoán con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi trước năm 2025. Pakistan được cho là có thể đưa vũ khí hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu F-16 và các hệ thống tác chiến tầm ngắn trên chiến trường.

Cây bút Dominic Tierney của Atlantic tin rằng Triều Tiên đang học hỏi theo kinh nghiệm của Pakistan. Cả hai nước đều chia sẻ những điểm tương đồng quan trọng.

Điểm tương đồng

Cả Pakistan và Triều Tiên đều phải đối mặt với một đối thủ “truyền kiếp” rất mạnh và từng là những quốc gia chung lãnh thổ trước khi bị chia cắt. (Pakistan - Ấn Độ, Triều Tiên - Hàn Quốc). Ngoài ra, cả Triều Tiên và Pakistan đều bị coi là những quốc gia phớt lờ các quy chuẩn quốc tế. Năm 2003, Triều Tiên từng rút khỏi Hiệp ước Không Phố biển Vũ khí hạt nhân trong khi Pakistan chưa bao giờ ký hiệp ước này. Trong hàng chục năm qua, Triều Tiên và Pakistan là hai đồng minh không chính thức, từng trao đổi các loại vũ khí thông thường cho nhau và đều ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq.

Một lý do khác khiến Triều Tiên có thể coi Pakistan là hình mẫu để theo đuổi là hai nước này từng hợp tác trong chương trình phát triển hạt nhân. Năm 2006, Bình Nhưỡng bị nghi đã trao công nghệ tên lửa cho Islamabad và Pakistan được cho là chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên thông qua mạng lưới của kỹ sư hạt nhân Abdul Qadeer Khan - “cha đẻ” của chương trình hạt nhân Pakistan.

Trong thập niên 1990, khi Triều Tiên phải hứng chịu nạn đói khủng khiếp, được cho là khiến 500.000 người thiệt mạng, nước này vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển quân sự và tiếp nhận các dữ liệu quan trọng từ Pakistan về chương trình làm giàu uranium. Pakistan thậm chí được cho là đã giúp Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Năng lực hạt nhân Pakistan

Nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan từng bị cáo buộc bán công nghệ hạt nhân cho một loạt quốc gia, trong đó có Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà khoa học Pakistan Abdul Qadeer Khan từng bị cáo buộc bán công nghệ hạt nhân cho một loạt quốc gia, trong đó có Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Xét trên lập trường của Triều Tiên, Pakistan là một mô hình đáng để học hỏi. Trước hết, vũ khí hạt nhân giúp Pakistan đối phó thành công với Ấn Độ. Thập niên 1960 và 1970 là giai đoạn chứng kiến những thất bại về quân sự của Pakistan, bao gồm cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan vào năm 1971 khi Pakistan mất 145.000 km2 lãnh thổ. Tuy nhiên sự ra đời của vũ khí hạt nhân về cơ bản đã giúp Pakistan đẩy lùi nguy cơ xâm chiếm quy mô lớn từ Ấn Độ.

Năm 1987, Tổng thống Pakistan Muhammad Zia-ul-Haq tuyên bố với người đồng cấp Ấn Độ rằng: “Nếu lực lượng của các ông xâm phạm biên giới của chúng tôi dù chỉ một bước, chúng tôi sẽ hủy diệt các thành phố của các ông”. Tới năm 1999, các binh sĩ Pakistan đã tiến vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, gây ra cuộc khủng hoảng Kargil và đối đầu quân sự căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, Ấn Độ đã tránh không để căng thẳng leo thang, hạn chế quy mô cuộc xung đột và quyết định không đưa quân vào lãnh thổ Pakistan. Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng “lý do chính giải thích cho sự kiềm chế của Ấn Độ là việc Pakistan công khai sở hữu kho vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, năng lực hạt nhân của Pakistan cũng khiến phương Tây duy trì mối quan hệ “nhẹ nhàng” với nước này. Mỹ đã cung cấp hàng triệu USD dưới dạng hỗ trợ trang thiết bị để bảo vệ kho hạt nhân của Pakistan, bao gồm các máy bay trực thăng và thiết bị phát hiện hạt nhân. Năng lực hạt nhân cũng là một trong số các lý do khiến Washington tiếp tục rót hàng tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Pakistan dù Islamabad được cho là ủng hộ phong trào nổi dậy Taliban đối đầu với quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Tuy vậy, mọi vấn đề đều có hai mặt. Số tiền rót vào chương trình hạt nhân của Pakistan lẽ ra có thể được sử dụng để đầu tư vào các chương trình sức khỏe hoặc giáo dục. Pakistan từng bị cả thế giới lên án vì tiến hành thử hạt nhân năm 1998 và sau khi từ chối ký Hiệp ước Chống Phổ biến vũ khí hạt nhân, Pakistan cũng bị hạn chế nhập khẩu công nghệ hạt nhân dân sự. Mặc dù vũ khí hạt nhân có thể giúp Pakistan đối phó Ấn Độ, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, thậm chí có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân giữa hai quốc gia.

Đối với Triều Tiên, việc lựa chọn mô hình Libya hay Pakistan, hoặc tìm ra con đường đi riêng của mình, đều phụ thuộc vào quyết định của họ.

Thành Đạt

Theo Atlantic

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm