1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cãi làn sóng "quay lưng" với vaccine Covid-19 tại châu Âu

An Bình

(Dân trí) - Với khoảng 1/3 dân số chưa tiêm vaccine, các nước châu Âu đang phải đối mặt với sự phản đối của người dân về chiến dịch tiêm chủng, bất chấp ca mắc Covid-19 đang tăng mạnh.

Tranh cãi làn sóng quay lưng với vaccine Covid-19 tại châu Âu  - 1

Người biểu tình phản đối vaccine tại Pháp (Ảnh: AP).

"Bất chấp nhiều tháng thuyết phục, bất chấp các chiến dịch truyền thông, các cuộc thảo luận trên nhiều phương tiện truyền thông, chúng tôi vẫn chưa thành công trong việc thuyết phục người dân đi tiêm chủng", cựu Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg phát biểu vào tháng trước khi ông công bố chiến dịch tiêm vaccine toàn quốc đầu tiên ở châu Âu.

Theo một cuộc khảo sát do European Barometer thực hiện vào tháng 5/2021, chỉ 19% người châu Âu cho rằng chính phủ của họ là một trong số các nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất về vaccine Covid-19. 

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, sự do dự về vaccine ở châu Âu có liên quan chặt chẽ đến sự mất lòng tin theo chủ nghĩa dân túy. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng châu Âu năm 2019 cho thấy "có mối liên hệ tích cực giữa tỷ lệ người dân ở một quốc gia bỏ phiếu cho các đảng dân túy với tỷ lệ người dân tin rằng vaccine không quan trọng và không hiệu quả".

Đại dịch Covid-19 chính là bài kiểm tra cho mối liên hệ đó. Bản đồ tiêm chủng cho thấy rằng nơi nào người dân mất lòng tin vào chính phủ và các đảng chính trị truyền thống, nơi đó có tỷ lệ tiêm phòng rất thấp.

Khu vực Đông Âu là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực, trong đó đáng chú ý nhất là Bulgaria - nơi chỉ có 26,6% dân số được tiêm chủng. Bulgaria cũng trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị lớn với 3 cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức trong năm 2021.

Ở khu vực phía tây, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn cũng được ghi nhận ở các quốc gia và khu vực có các phong trào dân túy hoặc cực đoan phổ biến như ở Đức, Áo và Bắc Italy.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Psychological Medicine vào tháng 10, các nhà nghiên cứu Michele Roccato và Silvia Russo tại Đại học Turin cho rằng "những người có khuynh hướng dân túy sẽ có xu hướng từ chối vaccine Covid-19, điều này đồng nhất với nghiên cứu trước đó cho thấy sự từ chối vaccine đã bị chính trị hóa".

Vào tháng 8/2021, hơn 230.000 người Pháp đã xuống đường biểu tình trên khắp đất nước chỉ trong một ngày sau khi Pháp trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên công bố kế hoạch tiêm vaccine tương đối nghiêm ngặt.

Sophie Tissier - người tổ chức các cuộc biểu tình phản đối những quy định thắt chặt vì Covid-19 và vaccine nói rằng: "Việc áp đặt các quy định hạn chế và bắt mọi người tiêm chủng sẽ lấy đi quyền tự do vốn có của mỗi người".

Tại châu Âu diễn ra rất nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ chống lại việc tiêm vaccine. Tại Áo, một số cuộc biểu tình được lên kế hoạch kể từ khi chính phủ tuyên bố kế hoạch tiêm chủng vaccine trên toàn quốc vào tháng 11. Cựu Thủ tướng Áo Schallenberg đã cáo buộc đảng Tự do chịu trách nhiệm về tỷ lệ tiêm chủng thấp của đất nước.

"Việc người dân bị kích động hoặc xúi giục bởi những người chống đối việc tiêm chủng cực đoan, bằng những tin tức giả mạo, đã khiến tình hình đất nước ngày càng trở nên trầm trọng . Hậu quả là các phòng điều trị tích cực bị quá tải và tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ vong gia tăng", cựu Thủ tướng Áo cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo việc triển khai hộ chiếu vaccine vì tác động tiềm tàng đối với lòng tin của cộng đồng và sự tin tưởng của công chúng. Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO, cho rằng hộ chiếu vaccine nên được sử dụng như "biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng khi tất cả các phương án khả thi khác không còn hiệu quả".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm