1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Trang sức” thời thượng của giới siêu giàu Trung Quốc

(Dân trí) - Ngoài những căn biệt thự sang trọng, xe hơi thể thao, đồ “trang sức” mới nhất "cần phải có" của giới siêu giàu Trung Quốc là một con chó chăn cừu cao lớn, lông dày mượt xuất xứ từ Tây Tạng.

 

“Trang sức” thời thượng của giới siêu giàu Trung Quốc - 1
"Trang sức" mới của giới siêu giàu Trung Quốc.

Nuôi động vật là một mốt mới đang rộ ở Trung Quốc và chó chăn cừu Tây Tạng (Ngao Tạng) là vật cưng thời thượng của những người muốn “khoe” sự giàu sang của họ ngoài cổ phiếu và bất động sản.

 

“Tôi từng đầu tư vào giống chó Đức, nhưng chó chăn cừu Tây Tạng hiện là loài đang hot hiện nay”, Sui Huizheng, một nhà kinh doanh đang sở hữu khoảng 20 con và đã tham dự Hội chợ chó chăn cừu Tây Tạng Trung Quốc lần thứ 6, một hội chợ được tổ chức hàng năm, vào cuối tuần trước.

 

Tại hội chợ, hàng trăm con chó đã được ra mắt. Những nhà kinh doanh và nuôi dạy chó đã “trưng” những con đắt nhất, để chúng sải bước trên sàn catwalk như những người mẫu thời trang chuyên nghiệp. Một số thậm chí còn mang những cái tên Mỹ giàu có như “Warren Buffett”, trong khi một số khác được gọi là “Thánh” hay “Hoàng tử”. Trong số những người chủ sở hữu chó này còn có một huấn luyện viên điền kinh, người đã huấn luyện cho nhiều nhà vô địch thế giới vào những năm 1980.

 

“Đi với bụt mặc áo cà sa”

 

Niềm đam mê dường như đã phá vỡ những quy luật buôn bán thông thường, đặc biệt là đối với con chó có bộ lông dày, giống sư tử, nặng tới 80kg hết sức phổ biến và nổi tiếng hung tợn này.

 

“Tôi có thể hiểu được ngựa đua, kim cương, nhưng tôi không hiểu sao người ta lại có thể bỏ ra hàng nửa triệu đô cho một con chó”, Martha Feltenstein, chủ tịch Hiệp hội chó Tây Tạng Mỹ cho hay.

 

“Chúng có tuổi thọ khá ngắn và đặc biệt là không hề hiếm. Thế nên tôi khá ngạc nhiên không biết vì sao họ lại mua với cái giá cao như vậy ở Trung Quốc”.

 

Và Feltenstein cho hay, ở Mỹ, những chú cún Tây Tạng này chỉ bán với giá vài trăm đô la.

 

Song những người nuôi ở Trung Quốc cho hay những con chó chăn cừu Tây Tạng trưởng thành được bán với giá hàng chục ngàn đô la và thậm chí là hơn 100.000 đô la. Còn có một con bán với giá hơn nửa triệu đô la Mỹ vào năm ngoái, cho một phụ nữ ở miền bắc  Trung Quốc. Theo thông tin đăng tải trên tờ China Daily, người phụ nữ này sau đó còn cử 30 chiếc Mercedes-Benz màu đen cùng những siêu xe khác tới đón con chó ở sân bay.

 

Nhãn hiệu cao cấp địa phương
 
 
“Trang sức” thời thượng của giới siêu giàu Trung Quốc - 2
Một con chó chăn cừu Tây Tạng trong hội chợ chó gần đây.
 

Sau khi “vung tiền” vào bất động sản ở Australia, ngựa Mỹ, thời trang châu Âu, giới siêu giàu Trung Quốc giờ xem giống chó tai cụp lớn Tây Tạng như là một biểu tượng mới thể hiện đẳng cấp của họ. Trung Quốc hiện là nhà của ước tính 825.000 triệu phú, con số lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Thị trường hàng hóa cao cấp của Trung Quốc cũng là một trong những thị trường phát triển mạnh nhất thế giới.

 

Ngoài ra, theo thông tin gần đây của hãng thông tấn Xinhua, một số đồ “trang sức” phải có của những người đàn ông giàu có ở đông bắc Trung Quốc gồm một “cô vợ trẻ đẹp”, một chiếc Lamborghini, một con chó chăn cừu Tây Tạng “càng to lớn càng hung ác càng tốt”.

 

“Bạn có thể gọi đó là một nhãn hiệu cao cấp địa phương”, Rupert Hoogewerf, một chuyên gia thuế ở Thượng Hải, người chịu trách nhiệm lập danh sách những người giàu nhất Trung Quốc mỗi năm, cho hay. “Những nhãn hiệu cao cấp đang phát triển ở một tốc độ khác thường tại Trung Quốc và sở hữu một con chó chăn cừu Tây Tạng là một kênh khác để tăng uy tín của bạn, bởi nó là hiện thân của sư tử - biểu tượng cho sự giàu sang truyền thống tại Trung Quốc”.

 
Những người qua đường được khuyên chỉ nên ngắm những con chó này từ xa và không đến gần bởi chúng rất hung dữ với người lạ - những đặc điểm cần có để bảo vệ đàn gia súc trên cao nguyên Tây Tạng, quê gốc của chúng.
 

Huấn luyện viên điền kinh đã về hưu Ma Junren rất yêu mến những con chó Tây Tạng này khi ông còn đang huấn luyện cho các nữ vận động viên điền kinh chạy xa trên cao nguyên Tây Tạng vào cuối những năm 1980. Ma “bật mí”, việc huấn luyện ở vùng cao và uống máu rùa cùng nấm bướm đã giúp các vận động của ông phá những kỷ lục thế giới mới. Tuy nhiên, một số vận động viên sau đó lại bị phát hiện dùng các chất cấm trong thi đấu. Khi đó, Ma về hưu, phủ nhận không làm điều gì sai trái.

 

Còn tại hội chợ chó mới đây, ông đã kêu gọi những người nuôi nâng cao tiêu chuẩn của họ để Trung Quốc có thể gia nhập Tổ chức chó thế giới, một hiệp hội các câu lạc bộ chó nuôi quốc tế. Tổ chức này chưa cho Trung Quốc gia nhập do chưa quản lý tốt về vấn đề tiêm phòng.

 

“Tôi hi vọng tất cả những người yêu chó Tây Tạng của chúng ta trung thực. Chúng ta không muốn thấy kẻ cắp, tội phạm, hay những kẻ lừa đảo quanh chúng ta”, Ma cho hay.

 

Phan Anh

Theo AP