1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trần thuật của một bác sĩ thoát khỏi thành trì IS Raqqa

Bác sĩ Marwan từng công tác tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Tal Abyad, miền Bắc Syria. Sau khi từ chối làm việc cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), biết rằng cuộc sống của mình gặp nguy hiểm và đã rất khó khăn để đi đến quyết định tìm đường đến châu Âu…

Tôi là Marwan, bác sĩ nhi khoa ở Syria, đã có vợ và 2 con nhỏ. Gia đình chúng tôi sống ở Raqqa, hiện được biết đến là thành trì của IS. Tôi điều hành một phòng y tế tư nhân trong một khu dân cư nghèo của thành phố, vì thế tôi cũng nhận chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những người dân phải ly hương, chạy nạn từ Homs và Aleppo.

Vào tháng 4 và 5-2013, chiến sự bùng phát dữ dội, những cuộc không kích và đấu súng xảy ra thường xuyên. Lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) chiếm được Raqqa, và thành phố hằng ngày phải hứng chịu bom đạn của lực lượng quân đội chính phủ.

Một ngày nọ, khi đang đứng nói chuyện với một người hàng xóm bên ngoài phòng khám thì người này bị bắn ngay trước mắt tôi. Kể từ đó tôi phải đóng cửa phòng khám vì tình thế bấy giờ rất nguy hiểm. Một tuần sau, một quả bom đánh trúng thánh đường gần đó và cùng thời điểm đó phòng khám của tôi bị phá hủy hoàn toàn. Rất may, không có ai bên trong tòa nhà.

Thế rồi tôi biết được Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đang tổ chức phỏng vấn cho chiến dịch tiêm chủng ở Tal Abyad cách  thành phố Raqqa khoảng 100km, tôi đăng ký. Sau 2 ngày tôi nhận được tin mình có việc làm.

Trong thời gian đó, một số nhóm đối lập chia nhau kiểm soát Raqqa: Trước tiên là FSA, sau đó đến Al Nursa và vào cuối năm 2013, IS xuất hiện và chiếm toàn bộ khu vực. Thời gian đầu, IS không quan tâm đến các cơ sở y tế. Nhưng chỉ sau một vài tháng, IS bắt đầu kiểm soát các bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế ở Raqqa.

Hầu hết các tổ chức quốc tế đều rút khỏi Raqqa và nhiều bác sĩ Syria phải trốn khỏi đất nước. Đối với bản thân mình, tôi quyết định mở một phòng y tế ngay tại nhà để giúp đỡ người dân. Là một bác sĩ, châm ngôn sống của tôi là chữa bệnh cho mọi người, nhưng cũng cố gắng tự bảo vệ bản thân.

Trần thuật của một bác sĩ thoát khỏi thành trì IS Raqqa - 1

Bác sĩ Marwan khi vừa đến Hà Lan.

Các thành viên IS bắt đầu đến nhà tôi để điều trị. Tôi thật sự không thoải mái vì điều này, nhưng tôi phải hành động theo y đức: cứu chữa cho mọi bệnh nhân không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hoặc chính trị…Sự xuất hiện của các thành viên IS ở nhà tôi thật sự là nỗi kinh hoàng đối với chính tôi cùng gia đình. Họ đến nhà tôi trên những chiếc xe Jeep. Vài tháng sau, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu không kích IS, chúng kéo đến phòng khám vào ban đêm và ép tôi đi cùng để trị thương cho chúng. Gia đình tôi luôn nghĩ là tôi sẽ không trở về.

Vào một ngày nọ, một toán chiến binh IS đến tìm tôi và ép tôi vào làm việc tại bệnh viện mà chúng kiểm soát trong thành phố. Hầu hết bác sĩ lúc này đều rời bỏ Syria nên chúng cần có tôi. Tôi từ chối và kết quả là tôi liên tục nhận được lời đe dọa. Chẳng có nơi nào để trốn thoát khỏi bọn chúng, chẳng có nơi nào cả dù ở những ngôi làng nhỏ bé quanh Raqqa. Tôi bắt đầu nhận ra mình phải rời bỏ Syria. Tôi thầm nhủ, thà bỏ mạng trên chiếc thuyền lênh đênh trên biển còn hơn ở lại đây.

Cuộc sống ở Raqqa thật kinh hoàng. Ban ngày chúng tôi phải sống cùng những đợt không kích của chính phủ, còn ban đêm thì đến lượt liên quân không kích. Tiếng máy bay phản lực gầm rú đinh tai, nhức óc, thành phố lúc vào cũng như bị động đất. Tôi nhận ra cuộc sống đã dừng lại đối với mình, và tôi cần phải làm điều gì đó để cứu sống gia đình. Tôi lo lắng cho các con mình ở Syria sẽ không có một cuộc sống bình thường, chúng sẽ không được học hành. Tôi muốn bảo vệ cuộc sống bản thân và bảo vệ cuộc sống cho vợ con.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đi tàu đến châu Âu, điểm dừng sẽ là ở Hà Lan. Vợ tôi bấy giờ đang mang thai tháng cuối cùng đứa con thứ 3 cho nên việc đi lại rất khó khăn. Do đó, tôi phải đi với một người bạn và khi tôi nhận được giấy tờ nhập cư, gia đình sẽ đi theo. Tôi ngủ với các con vào đêm trước khi tôi đi. Tôi ước có thể mang chúng theo.

Rời Raqqa không phải dễ, chiến sự thường xuyên xảy ra giữa IS, Al Nursa, FSA và lực lượng kháng chiến người Kurd. Tôi phải vượt qua 3 trạm kiểm soát giữa Raqqa và Efreen-điều đó giống như vượt qua 3 quốc gia khác nhau. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nghe tin chính phủ đang bắt giữ những người sẽ đến Izmir (một thành phố ven biển). Linh tính mách bảo tôi rằng chuyến đi sẽ không thành và tôi sẽ phải trở về Syria.

Khi tôi đến Izmir, ở đó có rất đông người, có người ngủ vạ vật trên đường phố, có người đang phải chịu đói, chịu khát, có người đưa hết tiền bạc cho bọn buôn người, nhưng cũng không thể đi được. Tôi nghe nhiều câu chuyện về đắm thuyền chở người vượt biển. Bạn tôi và tôi đã đứng trân ra nhìn biển, hoang mang không biết rằng đó có phải là nơi vùi chôn chúng tôi không. Thời gian đó, thật khó để quyết định bước lên chiếc xuồng cao su chật cứng người. Một số người đã khóc và số khác cầu nguyện.

Trần thuật của một bác sĩ thoát khỏi thành trì IS Raqqa - 2

Thành phố Raqqa ngày đêm hứng chịu những đợt không kích.

Chiếc xuồng chở chúng tôi cập vào hòn đảo Farmakonisi thuộc Hy Lạp và ngày hôm sau, chúng tôi đến Leros. Từ Hy Lạp chúng tôi đến Macedonia, sau đó tiếp tục lên xuồng qua Serbia. Trong 7 ngày ròng rã, tôi không hề được chợp mắt. Tôi ước gì có thể tìm thấy một chiếc gối để ngủ, nước để tắm và một chiếc điện thoại để gọi cho gia đình.

Ở Belgrade (thủ đô Serbia) cuối cùng tôi cũng mua được một chiếc thẻ SIM điện thoại để có thể gọi về nhà. Tôi nói chuyện với vợ và con gái, nhưng con trai từ chối nói chuyện với tôi. Thằng bé cho rằng tôi đã bỏ rơi nó và điều đó khiến trái tim tôi vỡ vụn. Từ Belgrade, chúng tôi chạy thục mạng qua những cánh đồng ngô, và sau đó phải trả cho một gã buôn người 450 euro để đưa chúng tôi đến Cộng hòa Áo. Tôi ngủ trong một công viên ở Vienna, và buổi sáng hôm sau mua vé tàu đến Amsterdam (Hà Lan).

Vợ tôi sinh con vào tháng 10, ngay sau khi tôi đến nơi. Cô ấy gửi cho tôi một bức ảnh chụp con trai mới sinh. Tôi gọi điện thoại nói chuyện với gia đình hằng ngày, nhưng cậu con trai vẫn từ chối nói chuyện với tôi. Mỗi khi nói chuyện với con gái, lòng tôi cảm thấy xốn xang và tôi không thể giữ bình tĩnh. Thật tôi không thể chịu đựng nổi khi nghe tin máy bay thả bom, dẫu biết rằng mọi giờ mọi phút họ đều có thể thả bom, dẫu biết rằng gia đình mình đang gặp nguy hiểm, nhưng vì tôi đang ở cách xa ngàn dặm và tôi không thể bảo vệ họ…

Theo Phạm Anh Trúc

(lược dịch)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm