1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Venezuela và kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (2)

Đề tài “xây dựng CNXH” tại Venezuela ngay lập tức xuất hiện hàng loạt trên báo chí Mỹ với nhận xét chung rằng: sự cấp tiến trong chính sách của chế độ Chavez đang gây lo ngại cho Washington.

Hơn thế nữa, ông Chavez còn thường xuyên có những lời phát biểu chống lại Mỹ khá gay gắt, trong đó nhiều khi nhằm vào đích thân Tổng thống Bush. Ngay tại hội nghị quốc tế vừa qua, Tổng thống Chavez đã buộc tội Mỹ “đang chuẩn bị những cuộc chiến xâm lược mới chống lại Venezuela, trong đó có cả việc đề ra những âm mưu ám sát”.

 

Ông còn đưa ra một ví dụ cụ thể cho thấy, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị một âm mưu ám sát chính ông. Sau khi bác bỏ nhận định của Chính phủ Mỹ cho rằng bản thân ông là “một yếu tố gây bất ổn”, Tổng thống Chavez quả quyết: “Nhân vật gây bất ổn duy nhất trong khu vực chính là George Bush. Ông ta còn là một mối đe dọa thực sự cho hòa bình”.

 

Gần đây, cuộc luận chiến giữa Caracas và Washington lại trở nên căng thẳng hơn sau khi Venezuela đặt mua vũ khí của Nga. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực tây bán cầu Rodger Noriegi khẳng định, Washington “rất lo ngại về việc Venezuela bắt đầu chạy đua vũ trang” qua việc mua 100.000 khẩu súng tiểu liên của Nga.

 

Cũng theo ông Noriegi, “vấn đề còn ở chỗ số vũ khí trên có thể rơi vào tay những tổ chức bất hợp pháp hay tội phạm” - ý nói đến lực lượng nổi dậy ở quốc gia láng giềng Colombia.

 

Dù sao, các nhà lãnh đạo Venezuela đã nhiều lần kiên trì giải thích, cuộc xung đột của họ với Mỹ chỉ mang tính chất chính trị và không liên quan đến những mối quan hệ khác như thương mại và kinh tế.

 

Venezuela hiện đang là một trong những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho thị trường Mỹ với khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, chính vì vậy mà nhiều nhà phân tích đã nhận định, dù cả hai nước đang trong tình trạng đối đầu, nhưng họ vẫn phải cần lẫn nhau: Mỹ khó có thể tìm được nguồn thay thế cho dầu mỏ Venezuela, trong khi chính phủ của ông Chavez cũng sẽ rất khó khăn để có thể tìm được một thị trường rộng lớn như tại Mỹ.

 

Nhưng tuyên bố bề ngoài của cả hai bên lại không có vẻ như vậy. Trong khuôn khổ chuyến thăm Delhi mới đây, ông Chavez đã tuyên bố, “sẵn sàng cung cấp dầu mỏ cho Mỹ với điều kiện Washington không âm mưu xâm lược Venezuela. Và nếu điều này xảy ra, nguồn cung cấp dầu sẽ bị cắt đứt ngay lập tức”.

 

Trước quan hệ căng thẳng ngày càng tăng với Washington, Tổng thống Hugo Chavez đã rất tích cực trong việc xúc tiến những mối quan hệ mới. Như trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại Paris vừa qua, chủ đề hợp tác chính của hai bên đều tập trung vào lĩnh vực năng lượng. “Chavez đang củng cố những mối quan hệ chính trị và kinh tế với Paris trong điều kiện một làn sóng căng thẳng mới giữa Caracas và Washington” - báo chí phe đối lập đã bình luận như vậy.

 

Trong một cuộc gặp sau đó với giới doanh nhân Pháp, ông Chavez đã cam kết rằng, Venezuela “sẽ trở thành một nhà cung cấp dầu mỏ thường xuyên và tin cậy” cho thị trường Pháp.

 

Ông Chavez luôn đánh giá cao và tìm cách thúc đẩy những mối quan hệ với nước Nga trong cả kinh tế, quân sự cũng như ngoại giao, coi đây là một đối trọng thực sự trước thái độ thù địch của Mỹ. Nhiều nhà bình luận khẳng định, bằng việc củng cố uy tín trong nước đi đôi với  mở rộng chính sách ngoại giao quốc tế, Hugo Chavez chắc chắn vẫn sẽ là “cái gai khó nhổ” đối với Washington.

 

Phần 1

Theo An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm