Tổng thống Trump cần mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng như thế nào?
Tổng thống Donald Trump từng cam kết sẽ cung cấp bất cứ thứ gì cho quân đội Mỹ để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia.
Theo Washington Post, ông Trump cũng nhấn mạnh “sẽ dành một khoản tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay”.
Dự kiến ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ tăng thêm 54 tỷ USD và đạt mức 603 tỷ USD trong năm 2018.
Ngân sách tăng thêm sẽ đổ về đâu?
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục không phải lúc nào “cũng là một giải pháp tối ưu”, điều quan trọng là tiền phải được chi “đúng lúc, đúng chỗ”.
Các chuyên gia gợi ý, số tiền tăng thêm cần phải được phân bổ một cách linh hoạt nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, cấu trúc quân đội và hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí.
Cả Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ đều cho rằng, ưu tiên hàng đầu phải là tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu nhằm giúp quân đội Mỹ có thể phản ứng nhanh chóng trước các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu và những vấn đề ngắn hạn khác.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, một thách thức khác còn lớn hơn đối với quân đội Mỹ là duy trì được một sự cân bằng hợp lý giữa việc xây dựng một đội quân đông đảo hơn với một đội quân tinh nhuệ hơn nhằm đối phó với các thách thức an ninh trên toàn cầu cũng như với những đối thủ ngày một lớn mạnh hơn.
Hiện quân đội Mỹ đang “giằng xé” giữa việc chi thêm tiền để tuyển mộ thêm binh sĩ và mở rộng cấu trúc quân đội hay đầu tư mạnh vào công nghệ để tạo ra ưu thế vượt trội so với đối thủ cả ở trên không, trên bộ, trên biển, ngoài vũ trụ và trong không gian mạng.
Tập trung vào lĩnh vực công nghệ và khả năng răn đe
Trong khi một số khoản đầu tư như mở rộng hạm đội Hải quân Mỹ là mang tính bắt buộc, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ông Trump đòi đầu tư mạnh cho toàn bộ quân đội Mỹ vừa “quá đắt đỏ” vừa “không phải là một bước đi khôn ngoan”.
Theo các chuyên gia, mục tiêu hàng đầu của quân đội Mỹ hiện nay là phải tập trung duy trì và cải thiện công nghệ trong các lĩnh vực then chốt có tính quyết định trong các cuộc chiến như tác chiến điện tử, săn ngầm, hệ thống vũ khí không người lái, vũ khí tự động, vũ khí tấn công tầm xa và bảo đảm thông tin liên lạc.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc Mỹ cần phải duy trì được khả năng răn đe và ngăn chặn các cuộc xung đột tại các khu vực mà Mỹ có lợi ích cốt lõi. Mỹ cũng cần hỗ trợ các đồng minh và đối tác phát triển năng lực tự phòng vệ của họ.
Trong những chi phí này, có những chi phí cơ bản như việc điều lực lượng Hải quân đi khắp thế giới hoặc việc thực thi Sáng kiến Trấn an Châu Âu. Trong khi đó, theo các chuyên gia việc giúp Israel xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn dù chỉ mất rất ít tiền, nhưng lại đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc đưa binh sĩ Mỹ vào Israel để đảm bảo an ninh.
Các chuyên gia cũng lưu ý ông Trump cần quan tâm đến yếu tố con người và coi đây là yếu tố then chốt trong việc tăng cường sức mạnh và độ tinh nhuệ của quân đội Mỹ.
Theo các chuyên gia, điều này đòi hỏi ông Trump phải thay đổi chính sách theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho các quân nhân Mỹ cả về chất lượng chăm sóc y tế, cơ hội tiếp cận với giáo dục và khả năng thăng tiến trong công việc.
Khoản tiền tăng thêm 54 tỷ USD lấy từ đâu?
Một vấn đề cũng hóc búa không kém đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông sẽ làm thế nào để có thêm được 54 tỷ USD tăng thêm cho ngân sách quốc phòng như ông đã cam kết.
Câu trả lời cho vấn đề này phần nào đã được hé lộ khi ông Trump cam kết sẽ cắt giảm “chính xác đến từng đồng” ngân sách đối với các chương trình chi tiêu phi quân sự- trong đó Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là 2 đơn vị chịu mức cắt giảm ngân sách lớn nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ mất cân bằng về an ninh quốc gia, nhất là trong việc ngăn ngừa khủng hoảng thông qua con đường ngoại giao và khiến Mỹ trở nên ngày càng phụ thuộc hơn vào quân đội.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi còn là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ từng tuyên bố: “Nếu Bộ Ngoại giao không được cấp đủ ngân sách, chúng tôi sẽ phải mua thêm súng đạn”.
Ngoài ra, những biện pháp “bù trừ” như thế này rất khó được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Khoản tiền tăng thêm cho ngân sách quốc phòng Mỹ khi đó sẽ được “lấy” từ các khoản thu thuế và các khoản chi cho an sinh xã hội và chăm sóc y tế.
Rõ ràng, ông Trump đã đúng khi yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị Quốc hội Mỹ cần giám sát chặt chẽ các khoản chi tiêu này để đảm bảo rằng, từng đồng USD được sử dụng một cách khôn ngoan cũng như số tiền này không lạm vào các chương trình phi quân sự vốn cũng rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN